Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tần tảo người vợ liệt sỹ xóm Bình An

Cập nhật: 18:55 ngày 25/07/2014
(BGĐT)-Dù hạnh phúc không được vẹn toàn, nhưng những gì mà chị tạo dựng hôm nay như một sự tri ân đối với người chồng đã hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đó cũng là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
{keywords}

Cứ mỗi lần thắp hương cho chồng, chị  Trần Thị Thoa, xóm Bình An, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lại kìm nén cảm xúc của mình để không bật ra tiếng khóc. Dẫu biết rằng, nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng trong trái tim của người vợ liệt sĩ này vẫn luôn in hình bóng của người chồng thân yêu.

Năm 1986, chị Thoa kết hôn với anh Hoàng Quốc Tuấn, một thương binh nặng,  mất 81% sức khỏe trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Mới 21 tuổi, nhưng chị Thoa phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Vợ chồng chị ở trong gia đình gồm 4 thế hệ, bà  nội chồng và bố chồng quanh năm ốm đau; các em chồng đông đúc, đang độ tuổi ăn học. Trong khi  đó,  gia đình lại ít ruộng, chồng thường xuyên đi viện, một mình chị phải lo toan,  gánh vác toàn bộ công  việc gia đình.

Để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống, chị phải thức khuya dậy sớm, khi thì đóng gạch thủ công, lúc thì sao chè,  may vá nhưng cũng chẳng đủ ăn. Đã có lúc, chị Thoa gần như kiệt sức. Song, gánh nặng chưa dừng lại ở đó,  năm 1994, do sức khỏe yếu, anh Tuấn đã vĩnh viễn ra đi để lại cho người vợ  mới 25 tuổi và  2 người con thơ dại,  con trai lớn 6 tuổi, con gái nhỏ mới 20 tháng tuổi. Anh Tuấn được nhà nước truy tặng là liệt sĩ.

Sau bao năm vất vả, lam lũ, giờ đây, hạnh phúc đã mỉm cười với chị Thoa. Hiện hai người con của chị đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Từ chỗ kinh tế gia đình bấn túng, đến nay đã trở nên khá giả. Ngoài làm ruộng và trồng  một số loại cây ăn quả như nhãn, vải, chị  còn đào ao thả cá. Với diện tích 4 sào mặt nước, mỗi năm 2 vụ cá cũng mang lại cho chị nguồn thu hơn 20 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ngoài ra, chị còn nuôi bò sinh sản, mỗi năm thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Tần tảo sớm hôm để lo lắng kinh tế cho gia đình, nhưng chị Thoa vẫn luôn làm tròn bổn phận dâu, con  trong gia đình, luôn quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo bố chồng đã xấp xỉ 80 tuổi quanh năm ốm đau, bệnh tật.

Điều đáng khâm phục ở chị Thoa  đó là  trong suốt những năm vất vả, khó khăn ấy, nhưng chị  vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương, trong đó có  4 năm làm Phó Chi hội phụ nữ và 2 năm phó Bí thư Chi bộ  thôn, 12 năm là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã,  đại biểu HĐND xã 3 khóa. Hiện, chị là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Ngọc Châu. Dù trên cương vị nào, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, được đồng nghiệp, bà con làng xóm quý mến, tin yêu. Những tấm bằng khen của tỉnh, huyện và các ngành là  minh chứng ghi nhận những đóng góp của chị  đối với công tác xã hội.

Tròn 20 năm, kể từ ngày anh Tuấn đi xa, giờ đây, kỷ vật duy nhất mà anh để lại đó là cuốn lưu bút với những ký ức đẹp của một thời trai trẻ. Đó là tình cảm gửi gắm tới người thân, là tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước qua những dòng tâm sự. Với chị Thoa, tuy hạnh phúc không được vẹn toàn nhưng những gì mà chị đã tạo dựng lên hôm nay như một sự tri ân với người  nằm xuống, cho dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát.  Đó cũng là biểu tượng  đức tính cao đẹp, thiêng liêng từ bao đời của  người phụ nữ Việt Nam.  


Công Doanh- Quang Ngọc
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...