Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / - °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lập “bản đồ vùng nguy hiểm” về lũ, lũ quét và sạt lở đất

Cập nhật: 16:02 ngày 20/08/2014
(BGĐT) - Ngày 20-8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014. Tham dự hội nghị có 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và đại diện một số sở, ngành dự hội nghị.

{keywords}
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang về công tác phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 - 2014 đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người; gần 10 nghìn ngôi nhà bị đổ hoặc cuốn trôi, 75 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, tổng thiệt hại ước tính hơn 3 nghìn tỷ đồng. 

Tại Bắc Giang, trong vòng 14 năm qua có 70 trận lũ vừa và lớn; 42 vụ sạt lở bờ sông, mái đê, kè, ảnh hưởng an toàn tuyến đê; 10 trận lũ quét lớn tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế… gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: Diễn biến thời tiết, khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, bất thường, mọi quy luật thời tiết trong tự nhiên bị thay đổi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Lũ quét và sạt lở đất diễn ra bất ngờ, sức tàn phá mạnh. Từ nay đến hết năm có khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lũ kết thúc sớm hơn mọi năm nhưng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn rất cao. 

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng trình bày kết quả Đề án “Điều tra, đánh giá, phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” gồm 37 tỉnh, thành phố; trong đó có 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ có khối lượng trượt lở lớn, rất lớn và đặc biệt khó khăn. 

Đại biểu một số tỉnh đề xuất, cần đầu tư thêm trạm quan trắc dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để có kế hoạch di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thiệt hại; đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Mục tiêu quan trọng nhất trong phòng tránh thiên tai nói chung và lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nói riêng là phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trên cơ sở đó xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm”.  

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, bố trí nguồn lực di chuyển các khu dân cư có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét, lũ ống và sạt lở đất; ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp kiểm tra, lập danh sách các hồ đập cần được nâng cấp; tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động phòng tránh lũ, lũ quét. Các bộ, ngành cần nhân rộng mô hình tuyên truyền cảnh báo về lũ, lũ quét và sạt lở đất cho các tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất cho UBND tỉnh; đồng thời tăng cường kiểm tra đê điều, hồ đập bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...