Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Việc cưới, tang ở Sơn Động: Không còn hủ tục

Cập nhật: 10:41 ngày 17/09/2014
(BGĐT) - Là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang với phần lớn đồng bào các dân tộc sinh sống nhưng việc thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, tang ở Sơn Động đã tiến bộ rõ rệt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
{keywords}

Người dân thôn Lái, xã An Bá trong trang phục truyền thống dân tộc Cao Lan tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Giảm nhiều nghi lễ

Thôn Lái, xã An Bá có 217 hộ, với hơn 1 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người Cao Lan. Dù cách trung tâm huyện gần 7km nhưng hơn chục năm trước, nơi đây tồn tại không ít những hủ tục rườm rà, lãng phí trong đám cưới, đám tang. Năm 2009, lần đầu tiên đám tang của bà Trần Thị Dừn trong thôn được gia đình tổ chức đơn giản, không làm cỗ mời khách, một số tập quán lạc hậu được đồng bào loại bỏ như: Bắc cầu, lăn đường và các hủ tục như con cháu không được tắm rửa, chải đầu và không được ngủ trong ba ngày... Từ đó đến nay hầu hết các gia đình trong thôn đã làm theo. 

Ông Trần Văn Nhàn, Trưởng thôn Lái kể: "Nhiều gia đình bị kiệt quệ kinh tế, phải bán trâu bò để làm đám tang cho người thân thì nay tình trạng đó không còn. Cách đây khoảng 5 năm, theo tục lệ người chết phải để trong nhà ba ngày mới đem chôn thì nay đồng bào Cao Lan trong thôn an táng luôn rồi mới quay về nhà tổ chức đám tang, đây là điểm tiến bộ trong sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần  của đồng bào". 

Việc cúng bái giảm đáng kể, theo phong tục xưa mỗi đám tang phải mời ít nhất bốn thầy cúng trong vòng ba ngày thì giờ chỉ có một thầy cúng trong một ngày. Khi có đám tang, cả làng tập trung đến ăn uống, gia đình có người mất phải thịt nhiều lợn, tốn nhiều gạo và rất vất vả, còn hiện nay bà con không ăn cỗ trong đám tang nên tiết kiệm cả chục triệu đồng. 

Trong việc cưới của người Cao Lan thôn Lái cũng bỏ bớt nhiều nghi lễ rườm rà. Điển hình là không còn tục khao làng, lễ xin lá số và tình trạng tảo hôn. Cũng theo ông Nhàn, một trong những kinh nghiệm mà thôn áp dụng hiệu quả đó là thông qua Chi hội Người cao tuổi và người có uy tín. Ban lãnh đạo thôn mời các cụ đến họp bàn và xây dựng quy ước cụ thể từng nội dung trong cưới, tang, lễ cấp sắc... Ở các gia đình, chính người cao tuổi là “tuyên truyền viên” cho con cháu làm theo. 

Bà La Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: Xã vừa hoàn thành đề án khôi phục truyền dạy nghề dệt và hát Sình ca tại thôn Lái, tới đây sẽ đưa hát dân ca vào trong đám cưới. Cô dâu, chú rể sẽ mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới. Đám cưới không chỉ văn minh, tiết kiệm mà còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Gia đình ông Giáp Văn Hồng ở thôn Mật, xã An Lập là trường hợp đầu tiên ở Sơn Động bỏ thuê đội kèn trống trong đám tang, thay vào đó, ban quản lý thôn ghi âm nhạc hiếu vào băng, đĩa để phát qua loa đài, gia đình chủ tang không phải đóng khoản kinh phí nào cho thôn. Nhận thấy những ưu điểm, một số thôn ở các xã như An Lạc, Vân Sơn... cũng làm theo, tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng mỗi đám. Một số dân tộc còn gắn thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, đám tang với bảo tồn văn hóa dân tộc như dân tộc Dao ở xã Tuấn Mậu, dân tộc Cao Lan ở bản Khe Táu, xã Yên Định...

"Trọng" tuyên truyền

Ông La Triệu Vân, Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Sơn Động cho biết: Huyện có 15 dân tộc, trước đây đồng bào có những phong tục, tập quán lạc hậu, rườm rà. Có những đám ma, đám cưới tổ chức tới ba ngày liền, ăn uống rất lãng phí, khiến cho đời sống của bà con vốn đã khó lại càng thêm vất vả. Thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa, những năm qua, Phòng Văn hóa, thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo chung trên toàn huyện và cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền xây dựng và thực hiện quy ước làng văn hóa trong đó có gắn với nếp sống văn minh. 

Nhận thấy lợi ích to lớn, nhiều hộ dân đồng tình hưởng ứng và phong trào lan rộng từ làng này sang làng khác. Đến nay, hầu hết các đám cưới, đám tang đều tổ chức đơn giản và rút ngắn thời gian hơn trước, việc ăn uống giảm nhiều, nhất là các nghi lễ cúng bái tốn kém. Các nghi lễ khác như cấp sắc, ngày lễ tết truyền thống giản tiện hơn và không còn hủ tục.

Tuy nhiên, theo ông Vân thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới còn gặp khó khăn, trở ngại bởi đa phần người dân đã quen với những phong tục truyền thống, rất khó thay đổi. Để thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh, địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, dân trí của đồng bào. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu" bằng nhiều biện pháp, trong đó Sơn Động đã dựa vào lực lượng người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng và những trí thức là người dân tộc thiểu số để vận động bà con thực hiện. 

Cùng đó, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu thực hiện để đồng bào thấy tác dụng, làm theo. Hiện nay, ngành văn hóa huyện đang xây dựng kế hoạch thu âm và sao các băng, đĩa nhạc hiếu để phát cho các thôn, nhân rộng mô hình tổ chức việc tang văn minh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã và đang tổ chức nhiều chương trình truyền dạy nghề truyền thống, chữ viết và các làn điệu dân ca nhằm khôi phục các nghi lễ cưới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguyễn Hưởng



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...