Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những phụ nữ "hai giỏi"

Cập nhật: 08:17 ngày 20/10/2014
(BGĐT) - Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ không những chu toàn việc gia đình mà còn tích cực tham gia công tác Hội, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế... Khẳng định vai trò và vị thế của mình, nhiều tấm gương điển hình trong các hoạt động được hội viên noi theo.

{keywords}

Chị Hoàng Thị Thiết.


Giỏi tuyên truyền, khéo vận động

Những ngày này, các tuyến đường liên thôn ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) khoác lên “chiếc áo mới” rộng rãi, phong quang. Từ năm 2011 đến nay, xã có 132 hộ dân hiến hơn 2 nghìn m2 đất ruộng và thổ cư xây dựng đường liên thôn. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Thiết (SN 1965), Chủ tịch Hội LHPN xã. 

Năm 2011, hưởng ứng Cuộc vận động "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới", chị Thiết cùng Ban Chấp hành (BCH) Hội lên kế hoạch tuyên truyền, vận động gia đình hội viên hiến đất làm đường để khắc phục tình trạng giao thông nông thôn nhỏ hẹp, xuống cấp. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, chị xoắn đáo và quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Không quản sớm tối, chị đến từng nhà hội viên tuyên truyền ý nghĩa của việc làm đường liên thôn đối với sự phát triển KT-XH của địa phương và lợi ích cho chính các gia đình, từ đó mọi người tự nguyện hiến đất. Bằng lý lẽ thuyết phục đó, nhiều hội viên đã tháo dỡ hàng chục m2 tường vành lao, chặt cây ăn quả, hiến đất ruộng trồng hoa màu để ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới. Điển hình như gia đình chị Phan Thị Chúc Linh tự nguyện hiến 7,5 m2 đất ở và ủng hộ 30 triệu đồng; chị Hoàng Thị Quyền hiến 200 m2 ruộng canh tác hoa màu.  

Chị Hoàng Thị Thiết còn tích cực vận động hội viên giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Nhờ thành tích trong hoạt động phối hợp tuyên truyền từ thiện nhân đạo, mới đây, chị được T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen. 

Tận tâm với công việc là thế song chị vẫn dành thời gian chăm sóc tổ ấm của mình. Những lúc rảnh, chị Thiết thường chuẩn bị chu đáo những bữa ăn ngon, đầm ấm để gắn kết các thành viên gia đình. Chị tâm niệm: “Không chỉ tâm huyết với công việc mà phải chu toàn với gia đình, cuộc sống hòa thuận”.  Hơn 20 năm làm dâu, chị luôn chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng chu đáo, chưa bao giờ xảy ra điều tiếng. Noi theo gương mẹ, hai con của chị đều ngoan ngoãn, hiện đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. 

Gương mẫu đi đầu

Đó là phương châm làm việc của chị Đồng Thị Hiếu (SN 1967), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hà, xã An Hà (Lạng Giang). Chứng kiến cảnh nghèo khó của hội viên, chị trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho phụ nữ trong thôn.  Năm 2008, qua người thân giới thiệu, chị biết Công ty sản xuất Lương thực (Hải Dương) chuyên liên kết cung cấp giống cây và thu mua nông sản. Nhận thấy đây là cách làm hay, vừa có giống lại không lo thị trường tiêu thụ, chị vận động hội viên chuyển đổi sản xuất. 

{keywords}

Chị Hiếu tâm sự: "Buổi đầu chưa quen với loại cây trồng mới, nhiều chị em e ngại. Tôi xác định mình phải gương mẫu thực hiện trước,   làm hiệu quả thì hội viên mới tin và làm theo". Nghĩ là làm, chị quyết định chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa năng suất thấp sang trồng ngô ngọt và dưa bao tử. Được Công ty hỗ trợ kỹ thuật, vụ đầu tiên gia đình chị lãi gần 30 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ cách làm của Chi hội trưởng, nhiều chị em đến học tập kinh nghiệm và làm theo. Để cây trồng mới đạt năng suất cao, chị Hiếu trực tiếp đến từng ruộng hướng dẫn chị em cách gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, hơn 100 hội viên trong Chi hội canh tác ngô ngọt, dưa bao tử, ớt Đà Lạt với tổng diện tích gần 5 ha, lãi bình quân 5-7 triệu/sào. Chi hội còn thành lập Câu lạc bộ trồng rau chế biến để hội viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Năm 2014, Chi hội không còn phụ nữ nghèo.  

Không chỉ giỏi việc Hội, chị Hiếu còn là phụ nữ đảm đang, nuôi dạy con thành đạt. Để hướng dẫn các con làm bài tập, chị chủ động mua sách tham khảo, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức đồng hành với con. Nhờ sự ân cần, tận tụy của mẹ mà hai con trai chị đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Với chị Hiếu, bản thân phải chăm sóc tốt cho gia đình, là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác, tham gia hoạt động xã hội. Hiện nay, chồng chị - anh Nguyễn Văn Tâm, đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã An Hà. 

{keywords}

Sáng tạo trong lao động

Trong quá trình lao động từ nghề phụ đan giàng, chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1972), thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) đã có sáng kiến “Vận hành máy chẻ nan nhanh”, giảm công lao động, tăng năng suất, được Hội LHPN tỉnh tặng danh hiệu “Phụ nữ năng động, sáng tạo, làm kinh tế giỏi”. Là Ủy viên BCH Hội LHPN xã Thường Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Đồng, chị Phúc luôn giúp đỡ hội viên vượt khó, vươn lên làm giàu. Xưởng đan giàng của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, thu lãi hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ phụ nữ vay vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất. Nhiều hội viên nhờ sự giúp đỡ đó đã vươn lên thoát nghèo như chị Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Tâm.... Nhiều năm liền, chị Nguyễn Thị Phúc đạt danh hiệu cán bộ hội cơ sở xuất sắc, năm 2014 được Hội LHPN tỉnh khen thưởng. 

Nhờ nghề đan giàng, kinh tế gia đình chị từng bước khấm khá lên, các con có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. “Để có được thành công như hôm nay, gia đình chính là động lực để tôi gạt khó khăn, phấn đấu vươn lên” - chị Phúc chia sẻ. Hạnh phúc nhân lên khi các con chị đều chăm ngoan, học giỏi. Ba năm qua, gia đình chị Phúc liên tục đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu cấp huyện.

Hoài Thu – Phương Nhung
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...