Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi niềm ở rể

Cập nhật: 15:32 ngày 31/10/2014
(BGĐT) - Ở rể, dù chỉ hai từ, nhưng ẩn chứa bao điều trong cuộc sống gia đình. Vì sao có chuyện ở rể? Liệu ở rể có còn là định kiến trong xã hội hiện đại?

{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Mỗi chàng rể một nỗi niềm

Tuy là con một, nhưng khi lấy vợ, anh Cường, quê ở huyện Yên Thế về ở cùng gia đình vợ tại Tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang). Do vợ chồng anh chưa có nhà riêng, trong khi nhà vợ chỉ có hai cô con gái, một cô lấy chồng ở xa nên ông bà muốn anh chị về ở cùng. Thế nhưng, được một thời gian đã xảy ra nhiều bất hòa. 

Thỉnh thoảng, vào buổi chiều, chơi thể thao xong, anh Cường đi uống bia giao lưu với bạn bè về nhà muộn cũng bị nhà vợ chỉ trích; nhiều hôm muốn mở ti vi xem bóng đá, bố mẹ vợ lại tắt điện ngủ sớm. Đôi khi thấy ứng xử của vợ chưa ổn, anh có ý "uốn nắn", ông bà lại bênh con gái chằm chặp và bảo "đã ở rể lại còn lên mặt"... 

"Động viên vợ ra ngoài thuê nhà ở cho tự do, nhưng bà xã cương quyết không nghe, mình đành chấp nhận sống cùng", anh Cường tâm sự.

Cùng cảnh, anh Tuấn  ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) bộc bạch, nhiều lúc muốn mời người nhà hay bạn bè đến chơi, ăn uống cũng không được thoải mái do bố vợ khó tính, gia trưởng. Hai vợ chồng định mua sắm cái gì cũng bị phản đối. Đã vậy, ông bà còn hay can thiệp vào chuyện riêng tư của vợ chồng. Anh Tuấn chia sẻ: "Nói năng, đi đứng lúc nào cũng phải rụt rè, chẳng bao giờ được sống thật với chính mình... Thú thực, mình chẳng thích ở rể chút nào, nếu không vì vợ, vì con".

Tâm sự của anh Cường, anh Tuấn cũng là nỗi niềm của nhiều chàng trai khi ở rể. Theo ý kiến chuyên gia, việc các chàng rể không muốn sống cùng nhà vợ có nhiều nguyên nhân như  do định kiến xưa về việc ở rể vẫn còn hằn sâu trong nhiều người, trong khi nam giới thường được coi là chủ gia đình. Với những người đã ở rể, trong quá trình sinh sống, có sự khác biệt về tính cách, thói quen, sinh hoạt đã nảy sinh những mâu thuẫn, nhưng ít người thổ lộ ra bên ngoài vì e ngại thiên hạ dị nghị. 

Nhiều chàng rể sau khi sống với gia đình vợ cảm thấy mình không còn được ở vị trí "chủ nhà". Song, vì nhiều lý do như quê xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa có nhà riêng, hoặc chiều lòng bố mẹ vợ do họ không có con trai, nhất là các gia đình ở thành phố, thị trấn... nên ở rể.  

Biết cách dung hòa

Tuy nhiên, ngày nay, do xã hội phát triển, nhiều người đã thay đổi cách nhìn từ chuyện ở rể. Anh Kiên quê ở thị trấn Neo (Yên Dũng) cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi ở rể. Do  nhà vợ chỉ có hai chị em gái (chị gái đã lấy chồng xa), nên sau khi cưới, chị Trang động viên  chồng về nhà mình ở. Dù là con rể nhưng anh Kiên đối xử tốt, quan tâm, chăm sóc bố mẹ vợ chẳng khác con đẻ. 

{keywords}
Để có được một gia đình êm ấm, mỗi thành viên phải cố gắng rất nhiều chứ không riêng chàng rể. Đặc biệt, người vợ phải là trung tâm đoàn kết của gia đình, biết dung hòa và cân bằng các mối quan hệ tình cảm để hạnh phúc không bị rạn nứt".
 
Ông Nguyễn Đắc Hồng

Đổi lại, anh Kiên cũng nhận được sự yêu thương từ bố mẹ vợ. Là cán bộ công chức, thời gian gò bó, nên bố mẹ vợ thường xuyên chăm sóc, dạy dỗ con cái cùng anh chị. Mỗi khi anh chị có chuyện vui, buồn, bố mẹ đều động viên, chia sẻ. Thỉnh thoảng cuối tuần, vợ chồng gửi con nhờ ông bà trông giúp để thăm hỏi người thân, thậm chí đi du lịch xa.  

Thoải mái với việc ở rể, anh Nam, thị trấn Bích Động (Việt Yên) khoe: "Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, con còn nhỏ, thu nhập có hạn. Ở cùng bố mẹ vợ, hàng tháng vợ chồng tôi tiết kiệm được nhiều khoản chi như: Gửi trẻ, thuê nhà... Đôi lúc mình ốm đau, có bố mẹ vợ trợ giúp đỡ vất vả hơn. Hơn nữa, vợ chồng cũng có thời gian chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ nhiều hơn". 

Bà Nguyễn Thị Bình, phường Trần Nguyên Hãn, (TP Bắc Giang) tâm sự: "Nhà tôi có chàng rể ở đã mười năm, nhưng chưa bao giờ gia đình xảy ra điều tiếng gì. Tôi nghĩ  nếu bố mẹ vợ tâm lý, tôn trọng và coi con rể như con đẻ, chắc chắn con rể sẽ đối xử tốt với mình".

Dân gian có câu: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Chuyện ở rể có thể là phức tạp với người này, nhưng lại thuận lợi với người kia. Và dù ở rể hay làm dâu cũng đều phải học cách sống chung. Vì thế, khi đã xác định ở rể, chàng rể cần khéo léo, mềm mỏng trong cách ứng xử,  biết dung hòa  các mối quan hệ trong gia đình. Nếu con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, không vụ lợi;  người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình, yêu thương, tôn trọng chồng thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi và ngược lại.  

Ông Nguyễn Đắc Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT&DL) nêu quan điểm: Điều quan trọng nhất đó là phải xóa bỏ được tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", đặc biệt mỗi thành viên trong gia đình phải có trái tim nhân ái,  biết yêu thương, tôn trọng nhau, khi ấy chuyện ở rể sẽ không còn phức tạp, rắc rối.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...