Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cai nghiện... Game online

Cập nhật: 10:20 ngày 01/11/2014
(BGĐT) - Chơi game online xuất phát từ nhu cầu giải trí nhưng trò chơi này lại có ma lực khiến không ít bạn trẻ trở nên... nghiện. Trước sự cám dỗ của trò chơi điện tử, nhiều game thủ đã quyết tâm từ bỏ để có lối sống lành mạnh.
{keywords}

Thanh niên, học sinh “nghiện” game có thể dẫn đến bỏ bê học hành, trí lực suy kiệt.

Ăn, học, ngủ cùng... game

Suốt mấy tháng nay, vợ chồng chị Th ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) mất ăn mất ngủ vì con trai tên Tr đang học lớp 8 sa đà vào các trò chơi điện tử trên Internet. Tr có thể ngồi liên tục cả ngày để chơi game chỉ với gói mì tôm sống và cốc nước lọc. Dù gia đình đã dùng nhiều biện pháp răn đe, thậm chí đòn roi để tách con khỏi thế giới ảo nhưng đều không thành. Từ cậu bé thông minh, hoạt bát, học giỏi, Tr trở nên lầm lì, chểnh mảng việc học. 

Chị Th than thở: “Ngày nào không được chơi game, con tôi như mất hồn. Không để mắt là nó trốn ra quán “net”. Cho tiền ăn sáng, nó nhịn để dành chơi game, thậm chí còn trốn học, nói dối, lấy trộm tiền của bố mẹ, người thân. Can ngăn mọi cách không được, bây giờ bố cháu phải nghỉ việc chỉ để giám sát mọi sinh hoạt, học tập của con nhằm tránh xa game online”. 

Nhớ lại những ngày còn học phổ thông luôn chìm đắm trong thế giới ảo, anh Trần Quang Kiên (SN 1982), Trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển (Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam), cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang chia sẻ: "Là học sinh chuyên Tin, sống xa nhà, nghiện game, tôi có thể ăn, học, ngủ... cùng game. Một ngày không vào mạng chơi game thấy người bứt rứt, khó chịu. Tôi đã trở thành game thủ có tiếng cả nước, từng được mời đến nhiều tỉnh, TP để giao lưu và chơi game. Thậm chí tôi còn mơ ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để hằng ngày gắn bó với chiếc máy tính, chơi game online. Dĩ nhiên sự quan tâm vào thế giới ảo thái quá khiến việc học sa sút, mất nhiều thời gian, sức khỏe và tiền của gia đình”.  

Ngày nay, sự phát triển nhanh các trò chơi điện tử có tác dụng tích cực như kết nối đám đông, tạo sự hợp tác, thúc đẩy tính sáng tạo và trí tưởng tượng. Game mang lại cảm giác tự do, khiến người chơi thích thú khi vượt qua cạnh tranh, thử thách. Tuy nhiên nhiều TTN trở thành đệ tử của game online, sa đà quá mức vào thế giới ảo để lại hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội.  

Từ bỏ thế giới ảo

Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), nghiện Internet (trong đó có nghiện game online) "có thể được định nghĩa là một rối loạn kiểm soát xung lực không liên quan đến chất gây nghiện, tương tự như nghiện đánh bạc, nghiện tình dục…". Vì thế ở một số nước đã có những cơ sở tập trung dành riêng cho cai nghiện game, có bác sĩ chuyên ngành điều trị. 

Ở Bắc Giang chưa có thống kê về số người nghiện game nhưng chắc chắn tỷ lệ không nhỏ. Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nguyễn Thái Long khẳng định có nhiều TTN được đưa đến điều trị do nghiện game dẫn đến rối loạn hành vi. Tuy nhiên vì mặc cảm, các gia đình thường giấu nguyên nhân này hoặc e ngại khi đưa con đến bệnh viện tâm thần điều trị, thường bao che cho con.  

Câu chuyện của anh Trần Quang Kiên kể trên là ví dụ cho quyết tâm của người cai nghiện thành công. Khi học lớp 12, được thầy cô giáo, bố mẹ khuyên chơi game không thể là nghề, chỉ là phương tiện giải trí, người chơi sẽ chìm đắm vào thế giới ảo, chôn vùi ước mơ học tập, Kiên đã từ bỏ game online. Với phương châm "3 không" (không xem, không nghe và không chơi) game, ngoài giờ lên lớp, Kiên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, chơi thể thao và chuyên tâm ôn luyện văn hóa. 

Bằng quyết tâm của mình, năm đó, Kiên thi đỗ và theo học Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, sau khi tốt nghiệp loại khá được lựa chọn công việc có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến tại Hà Nội. Anh chia sẻ: "Nếu có quyết tâm, biết kiềm chế cám dỗ của game online hướng tới "đích" cao hơn, bạn sẽ thành công". Mới đây, anh được Đoàn Trường THPT Chuyên Bắc Giang mời về trường giao lưu, hướng nghiệp cho học sinh với tư cách là học trò cũ thành đạt. 

Nhiều ý kiến cho rằng TTN rơi vào tình trạng nghiện game online là do cách giáo dục từ gia đình. Phụ huynh mải mê với công việc, ít quan tâm tới các con hoặc nuông chiều cho trẻ sớm tiếp xúc và thường xuyên chơi game online trong khi các trò chơi này có sức hấp dẫn đặc biệt, đánh trúng tâm lý hiếu thắng của tuổi mới lớn. Vì thế định hướng giúp trẻ không sa đà vào game hoặc từ bỏ thế giới ảo thành công phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. 

Trước hết cha mẹ quan tâm, hướng dẫn con tích cực tham gia các hoạt động lành mạnh như chơi thể thao, đọc sách báo, dã ngoại, quản lý chặt chẽ việc sử dụng máy vi tính, truy cập mạng phục vụ học tập. Đối với trường hợp nghiện game, cần kiên trì vận động, từng bước hạn chế con em sử dụng mạng Internet, xa dần và tiến tới không chơi game.  Trường hợp nghiện game nặng cần đưa đến bệnh viện điều trị.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...