Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dương Hưu “Ba nhất”

Cập nhật: 09:52 ngày 24/11/2014
(BGĐT) - Từ một xã đặc biệt khó khăn, nay Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã chuyển mình mạnh mẽ với nhiều cái nhất của huyện: Diện tích trồng rừng kinh tế nhiều nhất; hạ tầng thay đổi nhanh nhất; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất. 

{keywords}

Trung tâm xã Dương Hưu. 

Truyền thống vẻ vang

Có vị trí trên đỉnh non cao, cách trung tâm thị trấn An Châu hơn 25km, Dương Hưu giáp với tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, được dãy Yên Tử che chở nên khí hậu ôn hòa, độ ẩm cao. Xã có 13 thôn, dân số hơn 5.000 người, gồm 9 dân tộc. Sự giao thoa văn hóa giữa đồng bào Kinh ở vùng xuôi từ các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh và TP Hà Nội lên xây dựng vùng kinh tế mới từ đầu những năm 1960 và đồng bào dân tộc ít người bản xứ tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc. 

Do có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến, dân quân du kích xã Dương Hưu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT đầu tiên trên địa bàn huyện Sơn Động. Từ những năm 1960 -1966, xã đã được tỉnh quy hoạch một số diện tích đất thuộc các thôn Mùng, Thoi, Bán để xây dựng nông trường chè và phát triển đàn bò. Có truyền thống huy hoàng là vậy, song khi đất nước hòa bình, dường như Dương Hưu có lúc đã “ngủ quên” trong chiến thắng. Sau bao năm hòa bình, Dương Hưu vẫn là xã khó khăn vào bậc nhất của huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo từ 70-80% trong thời gian dài  là nỗi trăn trở của cán bộ và nhân dân trong xã.

Đánh thức tiềm năng, phát huy thế mạnh

Dương Hưu có diện tích tự nhiên chiếm gần 9% diện tích toàn huyện. Với hơn 7.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xã xác định đây là thế mạnh và là một trong hướng đi mũi nhọn. Theo đó, Dương Hưu tập trung cao cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, phát triển rừng kinh tế bằng các giống keo lai nhập ngoại.

Đến nay, rừng kinh tế của xã đạt hơn 3.000 ha, phủ kín cơ bản diện tích đất lâm nghiệp. Với hàng trăm ha rừng khai thác trong năm, người dân tự chế biến rồi chuyển thẳng đến cảng Cái Lân (Quảng Ninh) để xuất khẩu đem lại nguồn thu lớn. Hiện nay Dương Hưu là một trong những xã dẫn đầu huyện về hiệu quả trồng rừng kinh tế.

Từ trồng rừng, nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, có mức thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Với lợi thế đất rộng nên chăn nuôi được người dân quan tâm. Đàn lợn, trâu, bò có hàng ngàn con, tổng đàn gia cầm trên 40 ngàn con, ngoài ra nhiều hộ còn nuôi ong lấy mật với quy mô hàng trăm đàn. Xã có 3 cơ sở chế biến lâm sản, một nhà máy sản xuất giấy, hàng chục ô tô tải và xe chở khách, gần 200 máy cày loại nhỏ... thu hút lượng lớn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 71,75% năm 2005 xuống còn 42% năm 2010, dự kiến năm 2015 còn 18,6% - là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất huyện.

Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất 

Đồng chí Hoàng Thanh Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Để tìm hướng thoát nghèo Dương Hưu đã tập trung cao lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, mạnh dạn giao trọng trách cho các cán bộ trẻ. Đảng ủy đặc biệt coi trọng việc xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn. Nhờ vậy, phần lớn các mục tiêu KT-XH đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015 đều đạt và vượt kế hoạch.

Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt việc tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng hàng chục công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Sự nghiệp y tế, giáo dục phát triển, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ổn định, 11/15 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ trung bình và yếu. Đảng bộ xã được Huyện uỷ công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Việt Hưng - Trần Bản

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...