Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phải làm rõ trách nhiệm công vụ từng công đoạn trong vụ án oan sai phải bồi thường

Cập nhật: 17:48 ngày 18/12/2014
Ngày 18-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp liên ngành phối hợp thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng.
{keywords}

Họp liên ngành phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp số liệu và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng; tham mưu cho Chính phủ và đã có báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Trong năm 2014, liên ngành đã phối hợp, trao đổi nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đối với 6 vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm. Cụ thể: Vụ việc ông Phan Văn Lá, yêu cầu bồi thường do bị oan trong lĩnh vực điều tra hình sự; Vụ ông Nguyễn Khắc Cần yêu cầu bồi thường do bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự trong quân đội; Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; vụ việc bà Nguyễn Thị Bích Thủy yêu cầu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội bồi thường...

Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa đánh giá được thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng; chưa nắm bắt được thực chất nguyên nhân của hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng để có giải pháp khắc phục; việc phối hợp cung cấp thông tin về số liệu và đánh giá tình hình trong hoạt động tố tụng hình sự còn chưa đầy đủ, thống nhất, kịp thời. Đồng thời, công tác báo cáo, thống kê còn chưa đi vào nề nếp, đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nhiều vụ việc dư luận quan tâm thông tin đưa trên báo chí một chiều và chưa chính xác về vấn đề oan sai, cũng như công tác bồi thường chưa đúng với bản chất vụ việc mà các cơ quan có trách nhiệm không có phản hồi ngay, làm cho dư luận hiểu sai về tính chất vụ việc. Như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, báo chí đưa tin rất nhiều về việc thực hiện bồi thường, trong khi phía TAND tối cao cho biết vẫn chưa nhận được đơn yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Thanh Chấn; nhiều vấn đề liên quan như xử lý trách nhiệm các cơ quan liên quan vẫn đang tích cực thực hiện nhưng thông tin đó lại không cung cấp cho báo chí.

Ông Nguyễn Châu Khoa - Thẩm phán Tòa hành chính (TAND tối cao) phản ánh, hiện các văn bản chỉ mới dừng lại việc hướng dẫn tố tụng hình sự, chưa có trong tố tụng hành chính, dân sự, nếu có cũng chưa rõ.

Bên cạnh đó, nhiều vụ án tại tòa đương sự kêu oan, nhưng hồ sơ lại rất “tròn trĩnh” như vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Theo ông Khoa, trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm bồi thường oan sai không thể chỉ của Tòa án. Do đó, cần quy định cụ thể trong lĩnh vực tố tụng hình sự, xác định cơ quan nào đứng ra thực hiện việc bồi thường thiệt hại trong quan hệ tố tụng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, một vụ án oan sai là một chuỗi tố tụng thực hiện từ điều tra, truy tố đến xét xử mà chỉ quy trách nhiệm cho người cuối cùng là Tòa án thì không hợp lý. Đương nhiên, về phía Nhà nước trách nhiệm bồi thường với người dân bị oan vẫn phải tiến hành, còn những người thực thi công vụ phải làm rõ trách nhiệm từng công đoạn của vụ án oan sai phải bồi thường.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trước mắt, với những vụ việc cụ thể nào chưa phân định được cơ quan phải bồi thường thì Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát cần họp lại, mời cả Bộ Tư pháp để xem xét cụ thể trách nhiệm thuộc về cơ quan nào.

“Cần phải có một cơ quan đứng ra đại diện việc bồi thường cho người bị oan, sau đó mới truy trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân để xảy ra oan sai. Vì nếu như để Thẩm phán, Kiểm sát viên, hay Điều tra viên đứng ra thương thảo việc bồi thường với người bị oan sai là không phù hợp và khó đạt được sự thỏa thuận” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, các đại biểu đề nghị, định kỳ hàng năm, liên ngành tổ chức họp để cùng trao đổi, thống nhất các nội dung còn vướng mắc, nhằm tạo thuận lợi cho việc phối hợp thực hiện ở Trung ương và địa phương; xác định nội dung và chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc phức tạp; hỗ trợ cung cấp ý kiến pháp lý giúp người bị thiệt hại sử dụng có hiệu quả cơ chế bồi thường nhà nước; cùng với đó, bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, thống nhất và đầy đủ nội dung về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường, nhằm phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác bồi thường nhà nước khi có yêu cầu…

Theo Thu Hằng/Báo điện tử ĐCSVN


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...