Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ trưởng Xây dựng: Sẽ xem xét lại việc làm tiếp thủy điện Đạ Dâng

Cập nhật: 08:03 ngày 23/12/2014
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ đề nghị Thủ tướng được chủ trì việc giám định nguyên nhân sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, để phân định và xử lý trách nhiệm tới từng cá nhân. Việc có cho tiếp tục làm thủy điện này hay không cũng được cân nhắc.
{keywords}

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện.

{keywords}

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, may mắn là việc cứu hộ đã thành công, không gây thiệt hại về người. Qua phần cấp thiết nhất là công tác cứu hộ, vấn đề đặt ra tiếp theo đây là xem xét nguyên nhân cũng như trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình này, thưa Bộ trưởng?

Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và các nhà thầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng công trình đối với các phần việc do mình thực hiện.

Theo quy định của Luật Xây dựng 2003 và Nghị định 209 năm 2004 trước đây, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định như sau: Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình, kiểm tra và xử lý vi phạm nói chung. 

Các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh theo phân cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. 

Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh không trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý cụ thể đối với từng công trình như thẩm định, thẩm tra thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu mà các trách nhiệm này thuộc về người quyết định đầu tư và chủ đầu tư xây dựng công trình.

Theo quy định của Nghị định 15 năm 2013 để thay thế Nghị định 209, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được đổi mới theo hướng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong đó Bộ Công Thương quản lý chất lượng công trình thủy điện. 

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế (tiền kiểm/kiểm soát chất lượng đầu vào) và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng (kiểm soát đầu ra).

Trong quá trình thực hiện thi công xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình, các nhà thầu chịu trách nhiệm về phần việc do mình thực hiện liên quan đến chất lượng công trình.

Nói đến nguyên nhân dẫn tới sự cố, được biết, thủy điện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương. Tuy nhiên, Bộ này đã giải thích, chỉ quản lý về quy hoạch thủy điện, vấn đề công nghệ áp dụng, phân phối tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy thủy điện…Về chất lượng công trình xây dựng, dư luận cho rằng, trong trường hợp này, ngành Xây dựng phải là cơ quan đứng ra tổ chức giám định nguyên nhân sự cố?

Theo quy định của Nghị định 15 năm 2003 của Chính phủ và Thông tư số 10 năm 2013 của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. Ủy ban UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết.

Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan khác có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng.

Để giải quyết sự cố sập hầm lần này, công việc tiếp theo cần phải triển khai là gì, sau nỗ lực, thành công trong công tác cứu hộ? Số phận thủy điện này có được xem xét, cân nhắc?

Trước hết, phải phong tỏa, bảo vệ hiện trường và tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố. Sau khi có kết quả điều tra nguyên nhân sự cố, phải phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động xây dựng có liên quan đến công trình này; sau khi phân định rõ trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư và các nhà thầu phải khắc phục các hậu quả theo quy định của pháp luật trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét việc có cho phép tiếp tục thực hiện dự án hay không.

Hiện nay có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được xây dựng trên cả nước. Đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề chất lượng đối với những công trình quy mô do địa phương quản lý, cấp phép như Đạ Dâng, cũng không thiếu những sự cố đối với nhiều thủy điện thuộc diện này xảy ra thời gian qua. Việc chạy theo để giải quyết hậu quả mỗi khi có chuyện như này rõ ràng không ổn, thưa Bộ trưởng?

Với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng, hướng dẫn luật xây dựng 2014 với nhiều nội dung đổi mới trong đó đặc biệt là phân định rõ và tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng chuyên ngành nói riêng (ví dụ như các cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng đối với các công trình dân dụng, ngành công thương đối với các công trình thủy điện, ngành giao thông đối với các công trình giao thông…).

Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước chất lượng công trình trên toàn quốc, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Bộ Công Thương và UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ và Sở Công thương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và công tác quản lý chất lượng nói riêng, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu; Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh sẽ phối hợp để thực hiện các công việc này. Trường hợp phát hiện các sai phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Trong báo cáo ký ngày 22/12 gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sự cố sập kết cấu hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng xảy ra tại vị trí cách cửa hầm khoảng 460 mét, với hàng trăm mét khối đất đá sụt xuống lấp kín đường hầm làm ngăn cách, cô lập và có nguy cơ cao thiệt mạng 12 công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang thi công trong hầm.

Xác định đây là sự cố nghiêm trọng về chất lượng công trình xây dựng, nên ngay sau khi có thông tin xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác gồm các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm về xây dựng thủy điện của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kịp thời đến hiện trường để cùng các bên xem xét, đề xuất các giải pháp và phối hợp cùng với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan hữu quan chỉ đạo công tác cứu hộ khẩn cấp.

Với mọi nỗ lực cao nhất của các bên liên quan có mặt tại hiện trường, đã áp dụng đồng thời các giải pháp và nhiều hướng tập trung giải cứu, đến khoảng 16h30 ngày 19/12/2014 các công nhân bị mắc kẹt đã được đưa ra an toàn khỏi đoạn hầm sự cố. Công tác giải cứu đã thành công, tuy nhiên cũng cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm.

(Đồ họa: Ngọc Diệp)

(Đồ họa: Ngọc Diệp)


Theo Phương Thảo/Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...