Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cỗ bàn linh đình đầu xuân: Hao tiền của, nhiều hệ lụy

Cập nhật: 09:54 ngày 04/02/2017
(BGĐT) - Với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, sau Tết là vào mùa hội làng, ăn Tết lại, nhiều cá nhân, gia đình lại hẹn nhau hội họp, tổ chức cỗ bàn gây lãng phí tiền của, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn giao thông.
{keywords}

Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) những ngày sau Tết tiếp nhận rất đông bệnh nhân điều trị.

Mùng Hai Tết, vừa gặp nhau ăn uống đầu xuân, một người bạn ở làng Thành, xã Xương Giang (TP Bắc Giang) đã rỉ tai chồng tôi: “Sắp tới trên mình có hội, mời gia đình cậu lên chơi, hôm ấy nhất định phải say mới về nhé”. Sau Tết, tục làm cỗ ăn nhân dịp lễ hội diễn ra ở rất nhiều làng quê. Ở huyện Yên Dũng, Tết ra rất nhiều nơi tổ chức hội làng, hội đình, chùa. Nhân dịp này, nhiều nhà tổ chức gói bánh, thịt lợn, gà, bày cỗ đãi đằng khách khứa. 

Cậu em ở làng Dõng, xã Hương Gián khoe: “Xã có 10 thôn thì có quá nửa thôn mở hội nên năm nào cũng thế, từ mùng 5 đến Rằm tháng Giêng, bọn em đi chơi hội suốt. Ngày nào cũng “tắm” trong rượu. Hết hội xã nhà lại sang xã bạn, huyện bạn, ăn chơi trọn tháng Giêng”. Theo lời cậu em, cỗ bàn, uống rượu liên miên cũng mệt mỏi nhưng khó  tránh được. Lý do, hội làng đã trở thành cái "nợ đồng lần", nay họ mời mình, mai mình mời lại.

Sau Tết, nhiều nhóm đồng ngũ, đồng niên, đồng học, đồng ngõ, hội kinh doanh... cũng tổ chức gặp mặt ăn uống "xuống đồng". Nhiều gia đình mừng thọ đầu xuân... Vì vậy không ít người cả năm làm ăn vất vả, tích lũy được số tiền cũng chỉ đủ lo ăn Tết, ăn hội. Không chỉ hao tốn tiền của, những bữa ăn hội họp ấy còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Do liên tục “nạp” chất đạm (protein), không ít người tăng cân, dư thừa lượng mỡ trong cơ thể, góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm chức năng gan và não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, dẫn tới bệnh gút, viêm tụy… Cùng đó, do khi tụ họp ăn uống, nhiều người lạm dụng rượu bia nên không ít gia đình lao đao, khổ sở vì có con em, người thân bị tai nạn do rượu, thậm chí có trường hợp say rượu không làm chủ được hành vi, gây thương tích cho người khác. 

Nhiều năm gần đây vào dịp lễ, Tết, nhất là dịp trong, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, số ca bị tai nạn giao thông tử vong, bị thương nhập viện điều trị tăng hơn ngày thường. Tính từ ngày 29 đến hết mùng 3 Tết vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 198 bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Bác sĩ Trương Quang Chiến, trưởng kíp trực mùng 4 Tết cho hay: “Phần lớn các ca vào viện đều do lạm dụng rượu, bia không làm chủ phương tiện gây tai nạn cho bản thân và người khác. Có trường hợp bị nạn do người dùng rượu, bia gây ra”. Chị Nguyễn Thị H, ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) và bạn trai bị tai nạn giao thông phải băng bó ở trán kể: “Chúng tôi đến nhà người quen chơi. Anh ấy không uống được rượu nhưng chủ nhà cứ ép. Trên đường về say quá, anh ấy lao xe vào cột điện. May mà chúng tôi đều đội mũ bảo hiểm chứ không thì chưa biết ra sao”. 

Những ngày này, Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chật kín bệnh nhân, Bác sĩ Hà Văn Hùy, phụ trách ca trực chiều mùng 4 Tết thông tin: Trong 5 ngày Tết, Khoa tiếp nhận gần 50 bệnh nhân, trong đó có một ca tử vong. Đa số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa và viêm tụy, có ca bị nhiễm khuẩn nặng gây tiêu chảy. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân là nam giới, có tiền sử lạm dụng rượu bia. 

Theo bác sĩ Hùy, số bệnh nhân tăng hơn ngày thường  là do dịp này người dân uống rượu nhiều, ăn ít dẫn đến bị xuất huyết tiêu hóa. Một số người do ăn nhiều thức ăn lạ, không thích nghi được hoặc trong thức ăn có protein gây dị ứng, thức ăn nhiễm độc  tố, vi khuẩn do bảo quản không tốt…

Tình cảm bạn bè, thân hữu không phải cứ xuất phát từ bữa ăn, chén rượu mà phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi người. Để những ngày đầu xuân mới, mùa hội làng vui trọn vẹn, mỗi người, mỗi nhà nên cân nhắc, hạn chế tổ chức ăn uống phô trương lãng phí, dành thời gian, tiền của cho những việc làm thiết thực, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...