Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cán bộ "đầu tàu", hội viên noi theo

Cập nhật: 14:15 ngày 08/02/2017
(BGĐT) - Với vai trò “bà đỡ” của phong trào, nhiều cán bộ hội phụ nữ cơ sở đã tích cực vận động, tuyên truyền, khuyến khích hội viên mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, vươn lên làm giàu.
{keywords}
Chị Lê Thị Non, thôn Khuôn Cầu 2, xã Quế Sơn (Sơn Động) chăm sóc đàn gia súc.

Tìm hướng tăng thu nhập

Trở lại xã Cao Xá (Tân Yên) mới đây, tôi thực sự ngỡ ngàng trước diện mạo mới của vùng quê thuần nông này. Từ khi có chủ trương của Hội  Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện về xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều chị em tích cực chuyển đổi cây trồng, liên kết bao tiêu nông sản. 

Các cấp hội tiếp tục vận động hội viên dồn điền đổi thửa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất, tiêu dùng, chế biến sản phẩm sạch; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tổ chức hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ…

Gặp chị Giáp Thị Hoài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thượng đang thu hoạch cà chua bi, chị bộc bạch: “Tôi biết đến mô hình sản xuất hàng hóa tập trung từ Hội LHPN xã. Với nhiều thuận lợi như được cung ứng giống, tập huấn kỹ thuật thường xuyên, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm… nên tôi chuyển đổi hai sào lúa năng suất thấp sang trồng cà chua bi. Lợi nhuận thu về tăng đáng kể, trừ chi phí, mỗi vụ, gia đình có lãi 9-10 triệu đồng”. Thấy được hiệu quả kinh tế, chị Hoài vận động hội viên cùng tham gia mô hình, xây dựng những cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung của Chi hội. Đến nay, thôn Thượng có khoảng 3 ha trồng cà chua bi, dưa bao tử, thu hút hơn 20 hội viên tham gia. 

Quế Sơn (Sơn Động) là xã vùng cao, người dân có tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu kiến thức khoa học nên đời sống nhiều gia đình còn khó khăn. Số đông hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế. Chị Mai Thị Oanh, Chủ tịch Hội  LHPN xã đã tích cực vận động, tuyên truyền giúp hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật, áp dụng phát triển kinh tế. Chị còn tổ chức đi thăm mô hình trang trại hiệu quả cao để chị em "mắt thấy, tai nghe", trực tiếp học hỏi kinh nghiệm. 

Qua lời giới thiệu của chị Oanh, chúng tôi đến thôn Khuôn Cầu 2 gặp hội viên Lê Thị Non (SN 1964), người phụ nữ giàu nghị lực. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, chị Non cho biết: "Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo, phải làm thuê kiếm sống. Năm 2010, được vay vốn tín chấp tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tôi đầu tư nuôi gia súc, gia cầm, trồng keo và cây ăn quả nên kinh tế được cải thiện". Nhờ vậy, năm 2012, gia đình chị Non thoát nghèo. Thu nhập hằng năm tăng đáng kể.

Cùng hội viên khởi nghiệp

Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, câu chuyện về những cán bộ hội cơ sở giúp hội viên tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật… hay đơn giản là vận động họ thay đổi tư duy, nhận thức để vượt khó, vươn lên làm giàu được thực hiện ở khắp các địa phương. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm, khoảng 23-24% hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Để phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” ngày càng lan tỏa và đạt hiệu quả cao, những năm qua, Hội LHPN các cấp chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ hội cơ sở. Trong đó tập trung mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng quản lý, điều hành tổ, hội; kiến thức khởi sự doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã; đào tạo nghề phi nông nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật… 

{keywords}

Mô hình sản xuất hàng hóa tập trung của Chi hội Phụ nữ thôn Thượng, xã Cao Xá (Tân Yên) giúp nhiều hội viên có thu nhập ổn định.

Qua đó, nhiều chị em trong vai trò "đầu tàu" đi trước triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương. Các chị xác định bản thân phải gương mẫu thực hiện trước, thấy kết quả tốt thì hội viên mới tin và làm theo. Điển hình là các chị: Nguyễn Thị Diễn, Tổ liên kết mây tre đan xuất khẩu xã Liên Sơn (Tân Yên); Nông Thị Hào, Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi gà sạch thôn Đồng Cờ, xã Tiến Thắng (Yên Thế); Nguyễn Thị Thúy, Tổ phụ nữ liên kết trồng nấm sạch xã Tân Thanh (Lạng Giang)… 

Tuy nhiên, phong trào chưa phát triển đồng đều và thực sự sâu rộng do trình độ, năng lực cán bộ hội còn hạn chế. Phần lớn chưa qua đào tạo (số chi hội trưởng, chi hội phó có trình độ học vấn THPT đạt khoảng 30%) bởi vậy gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, xu hướng kinh doanh mới… 

Để cán bộ hội ở cơ sở phát huy hiệu quả vai trò cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; động viên, chia sẻ từ gia đình. Cùng đó, các cấp hội tiếp tục vận động hội viên dồn điền đổi thửa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất, tiêu dùng, chế biến sản phẩm sạch; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tổ chức hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ… Đặc biệt nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...