Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp?

Cập nhật: 10:10 ngày 10/03/2017
(BGĐT) - Làm việc trong môi trường không đủ điều kiện an toàn vệ sinh lao động, công nhân đang đứng trước nỗi lo mắc bệnh nghề nghiệp. Điều này khiến họ giảm sút sức khỏe, hiệu quả công việc kém, thiệt hại về kinh tế cho người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN). 
{keywords}

Công ty cổ phần Alpha duy trì hiệu quả “Góc tuyên truyền, an toàn vệ sinh lao động”, góp phần phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Môi trường làm việc chưa an toàn

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. NLĐ thuộc bất cứ ngành nghề nào cũng có thể mắc. Nguyên nhân là do NLĐ làm việc, tiếp xúc thường xuyên, lâu dài trong môi trường không bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiềm ẩn yếu tố độc hại. 

Kết quả quan trắc môi trường lao động năm 2016 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại 39 đơn vị sản xuất cho thấy, trong tổng số hơn 6,9 nghìn mẫu đánh giá yếu tố nguy cơ thì có 117 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Các mẫu không đạt tập trung vào nhiệt độ (40 mẫu), tiếng ồn (21 mẫu), vi khuẩn (20 mẫu)... Nhìn vào thực tế này, nếu các DN không quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để kiểm soát các thông số trên thì NLĐ dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Năm 2016 có 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khỏe định kỳ cho hơn 26,4 nghìn lao động. Trong đó có gần 1,3 nghìn người thuộc nhóm có nguy cơ mắc. Sau khi khám chuyên sâu đã phát hiện 192 người mắc bệnh về tai do tiếp xúc tiếng ồn; 870 trường hợp mắc bệnh từ nhiễm độc chì và các hợp chất; 75 người bị viêm phế quản mãn tính. Ngoài ra còn một số bệnh khác. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 104 người đang hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp (tổng số tiền chi trả hằng tháng là gần 85     triệu đồng).

Bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, những người làm việc trong ngành y tế rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp, nhất là bộ phận trực tiếp khám và chăm sóc bệnh nhân lao, viêm gan. Trong năm 2015 - 2016, toàn tỉnh có hai trường hợp được hưởng trợ cấp đều là cán bộ y tế Khoa Điều trị của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. “Cả hai trường hợp này đều công tác hơn 15 năm. Dù có kinh nghiệm và kiến thức phòng tránh nhưng quá trình làm việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân ở môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bệnh nên vẫn không tránh khỏi bệnh nghề nghiệp” – ông Thân Minh Kha, Giám đốc Bệnh viện nói.

Đáng lo ngại hơn là nhóm công nhân ngành may. Do đặc thù của nghề nên công nhân may thường mắc các bệnh như thoát vị đĩa đệm và giãn tĩnh mạch chân. Những bệnh này gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của NLĐ. Đơn cử như chị Nguyễn Thị G (SN 1982) ở xã Thái Đào (Lạng Giang), sau 5 năm làm việc tại một công ty may, do ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ, chị có biểu hiện của cả hai bệnh nói trên, lại thêm chứng mệt mỏi, hoa mắt. Đi khám, bác sĩ tư vấn điều trị nhưng sức khỏe không cải thiện nên chị G đành chuyển vị trí làm việc, xuống bộ phận thu dọn vệ sinh với mức lương giảm một nửa so với trước.

Nâng cao ý thức phòng ngừa

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 19/2011/TT-BYT (Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe NLĐ và bệnh nghề nghiệp), hằng năm DN phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại hợp khung cho phép của Bộ Y tế. Việc quan trắc môi trường lao động rất quan trọng bởi từ kết quả các mẫu đo cụ thể (tùy lĩnh vực sản xuất), đơn vị thấy được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp. Từ đó, yêu cầu DN khám sức khỏe cho lao động làm việc ở những vị trí tương ứng để điều trị kịp thời. Quy định là vậy nhưng không phải DN nào cũng thực hiện. Năm 2016 chỉ có 39/204 DN do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được phân cấp quản lý tổ chức quan trắc. Số còn lại có thể phối hợp với đơn vị khác kiểm tra nhưng không báo cáo về Trung tâm hoặc không thực hiện nghĩa vụ này. Sau khi kiểm tra môi trường làm việc có rất nhiều DN “trốn” khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ vì sợ phiền hà, ảnh hưởng đến uy tín và phải chi kinh phí không nhỏ. Công nhân thì có tâm lý sợ mất việc hoặc thấy bệnh chưa đến mức nguy hiểm nên thường bỏ qua.

Muốn phòng tránh bệnh nghề nghiệp, biện pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để DN cải thiện môi trường làm việc, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, chấp hành quy định về khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp.  Một số DN sản xuất trong lĩnh vực có nguy cơ cao đã chủ động biện pháp phòng ngừa. Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (Lạng Giang) đầu tư hơn 500 triệu đồng/năm để cải thiện môi trường làm việc, kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. Công ty cổ phần Alpha (Khu công nghiệp Đình Trám, Việt Yên) duy trì hiệu quả hoạt động của “Góc tuyên truyền, an toàn vệ sinh lao động”, có chế độ bồi dưỡng cho những công nhân làm việc ở bộ phận nặng nhọc, độc hại… Bên cạnh đó, NLĐ cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; thường xuyên đề xuất với DN các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; khi phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh kịp thời yêu cầu DN tổ chức khám để được lập hồ sơ quản lý, theo dõi định kỳ.

Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Ngành sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Thường xuyên rà soát, thống kê những DN hoạt động trong các lĩnh vực có yếu tố nguy cơ cao để quản lý chặt chẽ. Nhắc nhở các đơn vị này quan trắc môi trường hằng năm để có đánh giá chính xác mức độ gây hại tới sức khỏe NLĐ. Từ đó, yêu cầu chủ sử dụng cải thiện môi trường lao động như lắp hệ thống hút, lọc bụi; quy hoạch khu phát ra tiếng ồn ở cuối chiều gió, che chắn nơi phát ra tiếng ồn; bố trí khu vực nghỉ giải lao cách xa nguồn phát sinh bụi; thay đổi vị trí làm việc luân phiên…

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...