Thứ bảy, 18/05/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đừng để “chiến tranh lạnh” thành “nóng”

Cập nhật: 07:00 ngày 19/03/2017
(BGĐT) - Đôi vợ chồng nào cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh gia đình biết hóa giải xích mích thì không ít cặp lại đẩy sóng gió lên cao bằng “chiến tranh lạnh”. Chính thái độ lạnh nhạt ấy khiến cả hai bên tinh thần căng thẳng, mệt mỏi, nếu không sớm hòa giải có thể phá hủy hạnh phúc.
{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Chuyện nhỏ hóa lớn

Lần đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh, tôi tiếp xúc với một bệnh nhân nữ bị trầm cảm khoảng 35 tuổi, khuôn mặt xinh xắn nhưng ẩn chứa nét thất thần, hoảng loạn. Hỏi chuyện mới hay, chị là kế toán doanh nghiệp, làm việc tại Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên). Chồng công tác trong một cơ quan Nhà nước, kinh tế ổn định, 2 con đều ngoan. Tuy anh tốt tính, có trách nhiệm với gia đình nhưng rất nóng nảy. Mỗi khi không bằng lòng, dù chuyện nhỏ như dạy dỗ con hay góp ý trong ứng xử… là anh nổi cáu văng tục, đập phá đồ đạc làm mấy mẹ con chị “hồn xiêu, phách lạc”. 

Ngày mới cưới, chứng kiến cảnh đó, chị từ chỗ bất ngờ đến bàng hoàng, thất vọng. Sau này, mỗi lần có chuyện, chị lặng lẽ không nói một lời. Về phía anh, biết mình chẳng phải nhưng thấy vợ lạnh nhạt, anh cũng không mở lời khiến không khí gia đình luôn nặng nề. Còn chị, nghĩ ngợi nhiều, tâm trạng hay u uất. Hai năm trước chị đau đầu, mất ngủ triền miên, được bác sĩ chẩn đoán căng thẳng tâm lý (stress). Dù đã sử dụng các loại thuốc an thần, phòng trầm cảm, tư vấn sức khỏe, giảm suy nghĩ tiêu cực nhưng chị không vượt được bệnh tật, ngày càng  chìm sâu vào bi quan, nhiều lần có ý định tự tử.

{keywords}

Mâu thuẫn gia đình không được hóa giải sẽ mang lại vết thương lòng cho nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nguy hại hơn còn dẫn đến hành vi tiêu cực như bất cần, bê tha, ngoại tình, rạn nứt hôn nhân, gia đình ly tán. Đặc biệt, con cái thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha hoặc mẹ sẽ thiệt thòi trong hình thành nhân cách, đạo đức, tâm hồn trẻ”.


Bà Dương Thị Lợi, nguyên Chủ tịch Hội LHPN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh

Cũng hành xử kiểu “chiến tranh lạnh” có gia đình chị  Nguyễn Thị Thu, anh Ngô Văn Giang (cùng là cán bộ nhà nước), trú tại phường Xương Giang, TP Bắc Giang. Sau mỗi lần xích mích toàn chuyện vặt, chị chẳng chịu nhún nhường, anh càng đề cao cái “tôi”, nhất định không bắt lời trước. Cứ thế, không khí nặng nề bao trùm lên ngôi nhà. Tối tối, thay vì bữa cơm quây quần ấm cúng, các con được cha mẹ quan tâm chỉ bảo, chị nấu ăn qua quýt rồi ôm điện thoại lên phòng “lướt” Facebook, anh tụ tập bạn bè, tìm niềm vui trong chén rượu, nhiều đêm không về. Từ chỗ liên tục đạt học sinh giỏi, năm học trước, hai con anh chị tuột mất danh hiệu. Anh tâm sự: "Thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của cô ấy khiến tôi cảm giác gia đình như địa ngục. Nếu tôi sai lầm, cũng vì bị cô ấy “đẩy” ra xa”. 

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Công ty Luật số I Bắc Giang cho biết: “Nhiều cặp vợ chồng ứng xử sau mâu thuẫn theo kiểu "chiến tranh lạnh" dù trước đó họ đều sợ căng thẳng nhưng không ai nhún nhường. Lâu dần, tình cảm vợ chồng xa cách, mất đi sự yêu thương, không muốn níu kéo hạnh phúc gia đình mà nguyên nhân hầu hết từ việc nhỏ nhặt trong đời sống. Tình trạng này thường rơi vào nhóm trí thức, hay kiêu hãnh, luôn cho rằng mình đúng, không muốn thừa nhận khuyết điểm".   

Lắng nghe, thấu hiểu

Thực tế, vợ chồng tranh cãi hay bất đồng là điều khó tránh, kể cả những cặp đôi tâm đầu ý hợp. Có nhiều người lựa chọn cách giải quyết tích cực: Trao đổi, góp ý thẳng thắn, thể hiện hành động, cử chỉ quan tâm, chăm sóc bạn đời… Vì thế họ thông cảm, hiểu nhau, cùng vun đắp, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, không ít người chọn cách im lặng. Thái độ lạnh nhạt này giống phản ứng thách thức khiến người trong cuộc hết sức căng thẳng. Bác sĩ Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho hay: Nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu, mất ngủ) do bất hòa ở gia đình không giải quyết được. Trường hợp nhẹ sức khỏe giảm sút, tinh thần mệt mỏi, làm việc không hiệu quả; nặng hơn thì bi quan, bế tắc, dễ dẫn đến hành vi tự sát, hủy hoại mình.

Không ít người cho rằng sự im lặng trong gia đình còn đáng sợ hơn cả lúc cãi vã kịch liệt. Bởi thế, vợ chồng có mâu thuẫn cần giải quyết sớm và triệt để. Lúc này nên học cách dẹp bỏ tự ái cá nhân, chủ động giảng hòa. Việc làm ngay là lắng nghe, cho nhau biết suy nghĩ để tìm nguyên nhân, giải pháp giải quyết xung đột. Trong quá trình hòa giải, làm sao mọi việc diễn ra nhẹ nhàng, tình cảm, đưa thông điệp để nửa kia hiểu rằng họ rất giá trị, không thể vì cãi vã hay bất hòa có thể phá hủy tình yêu thương. 

Thực tế cuộc sống đã nhiều áp lực, khó khăn, mỗi người cần cố gắng để sau một ngày làm việc vất vả, vợ chồng muốn trở về mái nhà của mình, cùng chăm lo, chung tay nấu ăn, dọn dẹp, quan tâm đến con trẻ… Các cặp đôi cũng đừng quên nói lời yêu thương, thể hiện hành động, cử chỉ chăm sóc nhau, để mọi người tìm thấy sự bình yên, ấm áp trong gia đình.

Thùy Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...