Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

No ấm trên quê mới Kon Tum

Cập nhật: 11:04 ngày 21/03/2017
(BGĐT) - Chia tay quê hương vào tỉnh Kon Tum lập nghiệp, vượt bao nhọc nhằn, khó khăn của những ngày đầu, anh dần an cư và coi vùng đất đỏ bazan ngập tràn nắng gió là quê hương thứ hai của mình. Đó là câu chuyện của anh Giáp Văn Giang, người con Bắc Giang lập nghiệp thành công ở Kon Tum.
{keywords}

Kon Tum trải dài một màu biếc xanh yên bình và thơ mộng.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Giáp Văn Giang ở thôn Ngọc Tặng, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, vừa đi, bác Nguyễn Hồi, Chi hội trưởng chi hội đồng hương Hà Bắc huyện Ngọc Hồi vừa nói: Từ huyện Việt Yên (Bắc Giang) vào Kon Tum chỉ với hai bàn tay trắng, bằng sự chăm chỉ, cần cù lao động, mạnh dạn, sáng tạo trong nếp nghĩ, cách làm, giờ đây gia đình anh Giang đã có cuộc sống ổn định và giúp đỡ bà con đồng hương trên quê mới.

Quả vậy, ngắm cơ ngơi của gia đình anh, tôi như bị hút hồn bởi trang trại quy mô, bề thế được anh chị tạo dựng suốt 16 năm nay. Dẫn chúng tôi thăm khuôn viên trang trại, anh Giang phấn khởi giới thiệu: "Trang trại không rộng lắm nhưng cũng đủ để nhà báo đi mỏi chân với 11 ha đất trồng cao su, hiện khoảng 5 ha đang khai thác; 2 ha ao thả cá kết hợp nuôi vịt, một chuồng nuôi lợn, mỗi lứa xuất chuồng hàng chục con. Chuồng trại, ruộng vườn đều ở quanh nhà nên rất thuận tiện cho việc canh tác, quản lý. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng". Quả là những con số biết nói. Tuy nhiên khi tìm hiểu về chặng đường làm giàu trên quê hương mới của gia đình anh mới biết, để có được thành quả như hôm nay là những tháng ngày gian nan, vất vả.

Anh Giang quê ở xã Thượng Lan (Việt Yên). Trước đây ở quê, gia đình anh chỉ cấy mỗi năm hai vụ lúa, đất đai ít, thu nhập thấp nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Năm 2000, nhờ một số người cùng quê dẫn dắt, anh chị quyết định gửi lại ba con, bán ruộng vườn, nhà cửa vào Kon Tum xây dựng cuộc sống mới. Lúc đầu, anh chị nhận khoán chăm sóc vườn cây cho Nông trường Cao su Tân Cảnh, sau đó dồn toàn bộ vốn liếng, vay mượn thêm mua được 4 ha rẫy ở xa khu dân cư. Hằng ngày, anh chị vừa chăm sóc vườn cao su nhận khoán, vừa tranh thủ cuốc đất trồng sắn. Một năm sau, anh chị mới đón các con vào sum họp. Sau mấy năm trồng sắn, anh trả hết nợ, số tiền còn dư anh quyết định đầu tư chuyển đổi sang trồng cao su, trồng sắn xen canh để lấy ngắn nuôi dài. 

{keywords}

Mỗi năm, từ trồng cao su và chăn nuôi, gia đình anh Giáp Văn Giang thu lãi hơn 400 triệu đồng.

"Thắng lợi lớn nhất của tôi là mua được 2 ha đất trũng vào năm 2005. Trên diện tích đất này, tôi thuê máy đào ao thả cá, nuôi vịt, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nuôi cá. Tiền bán trứng, bán vịt đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Còn cá, tôi để cuối năm gạn bán một lần. Với ba ao cá, tôi thu lãi không dưới 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình tôi dần có của ăn của để và dành dụm mua đất mở rộng diện tích trồng cao su" - anh Giang chia sẻ thêm. Những lứa cao su cho khai thác giúp cuộc sống của gia đình anh Giang ngày càng khấm khá. Có điều kiện, anh mua đất, làm nhà ven đường lớn, mua xe ô tô để các con mở cửa hàng kinh doanh, còn anh chị vẫn gắn bó với vườn cây, ao cá.

Nhâm nhi chén nước chè, ngắm đàn cá lên ăn, anh Giang bồi hồi: “Mới ngày nào đặt chân đến Kon Tum mang theo bao dự định, mơ ước, rồi trải qua bao gian truân, thoáng chốc đã 16 năm định cư ở quê mới. Ngẫm lại mới thấy, đất không phụ công người. Có công vỡ đất trồng cây, đắp bờ làm ao giờ được đáp lại bằng sự no ấm”.

{keywords}
Anh Giáp Văn Giang với vườn cao su.

Mỗi người một vùng quê, một hoàn cảnh, lý do để tìm đến Kon Tum. Bản thân anh Giang cũng như nhiều người tỉnh khác có chung suy nghĩ đó là làm giàu cho bản thân, gia đình và góp sức xây dựng quê hương mới. Điều đáng quý là, khi có điều kiện, anh Giang lại hỗ trợ, giúp đỡ những hộ cùng quê còn khó khăn như nhận xét của nhiều người dân nơi đây: Người Bắc Giang vốn trọng chữ tình nên dù ở đâu họ cũng luôn đoàn kết, yêu thương, cùng nhau "chia ngọt sẻ bùi".

Thùy Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...