Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Khi phụ nữ quên xây tổ ấm

Cập nhật: 07:00 ngày 26/03/2017
(BGĐT) - Mong một giấc mơ đổi đời, nhiều phụ nữ chấp nhận xa quê hương, xa chồng con sang xứ người lao động. Tuy nhiên, trong số ấy, không ít chị em chạy theo lối sống thực dụng, quên đi thiên chức, trách nhiệm với gia đình, để lại nhiều hệ lụy. 

{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Vợ chồng em trai tôi khi mới cưới nhau cả hai đều làm công nhân, thu nhập tuy thấp nhưng hòa thuận. Thấy lương công nhân không cao, em dâu tôi quyết định đi Đài Loan giúp việc, để hai con, đứa lên 2, đứa gần 1 tuổi ở với bố. Thời gian đầu, em hay gọi điện, cũng gửi về mấy chục triệu đồng trả nợ phí vay xuất khẩu. Sau điện thoại thưa dần và cũng không gửi tiền nữa. 

Tội cho em trai "gà trống nuôi con", cật lực lao động chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. 5 năm sau, cả nhà mừng vì em dâu đến hạn về nước nhưng chỉ mươi ngày đã vội làm thủ tục quay lại Đài Loan. Lần về thứ 2, mặc mọi người can ngăn, em vẫn quyết đi. Cậu em tôi bị đám bạn thợ xây kích bác sinh rượu chè, cờ bạc; hai cháu gái phải nghỉ học theo bác vào Nam kiếm sống. 

Gặp tôi, em buồn bã: “Mỗi lần em khuyên về nước, cô ấy đều lảng tránh; hỏi tiền thì cô ấy bảo lương thấp. Những lần về làm thủ tục xuất cảnh, tình cảm vợ chồng nhạt như nước ốc, suốt ngày cô ấy khư khư chiếc điện thoại nhắn tin, nói chuyện xì xồ với đàn ông Đài. Em ân hận quá, tưởng đi nước ngoài để đổi đời, ai ngờ chẳng có của lại mất vợ, các cháu không có người chăm sóc phải ly tán…”.

{keywords}

Không phải cứ sang nước ngoài làm việc là có thể đạt được giấc mơ “đổi đời” bởi ngoài rủi ro khách quan, chủ quan thì chỉ một số quốc gia trả lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, còn lại thu nhập tại Ma- lai- xi-a, các nước Trung Đông chỉ 6- 8 triệu đồng/tháng. Trong khi ngay tỉnh Bắc Giang cũng rất nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tương đương tại các khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, họ còn được bảo đảm bằng chính sách ưu việt như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.


Bà Lê Huyền, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh)

Gần đây, tại thị trấn nhỏ huyện miền núi trong tỉnh, dư luận bàn tán chuyện đi làm ăn của chị Hoàng Thị Lan. Người thương cảm, người lại khắt khe chỉ trích chị ích kỷ. Gia đình chị không quá khó khăn nhưng ước mơ giàu nhanh nên quyết tâm vay mượn để chị sang Đức làm ăn. Tuy nhiên, suốt 16 năm, chị không quan tâm đến gia đình. Vừa rồi, chị về nước do bị tai nạn. Người thân một lần nữa vay tiền đón chị về. 

Theo lời của bà con cùng quê bên nước ngoài, chị thu nhập mỗi tháng khoảng 60-80 triệu đồng, cuộc sống sang chảnh với ô tô đắt tiền, áo váy hàng hiệu và “cặp” với nhiều đàn ông. Một người trong số họ đã lừa chiếm hết tài sản và trong lần đi tìm manh mối kẻ lừa đảo, chị không may gặp nạn, tàn phế từ đó. Ở hoàn cảnh khác, chị Hoàng Thị Thúy, quê Yên Dũng sang Đảo Síp làm việc, hết thời hạn không về, cũng chẳng gửi tiền giúp gia đình. Hiện các con chị ở với ông bà; chồng buồn chán, suốt ngày tìm vui trong men rượu, bị loạn thần lúc nào không hay. 

Nhân trò chuyện với đồng chí lãnh đạo xã (xin giấu tên) có nhiều lao động xuất khẩu ở huyện Lục Nam về chủ đề này, anh bảo: “Ngay địa phương mình, 10 chị đi nước ngoài thì 5-6 người hết thời hạn không về, có trường hợp còn “khuyến khích” chồng lấy vợ khác”. 

Giải thích vì sao phụ nữ xuất khẩu lao động hay để xảy ra bi kịch ngay trong nhà mình, các nhà tâm lý học cho rằng, vợ chồng ở quá xa nhau về địa lý, thời gian kéo dài dễ phai nhạt tình cảm. Với phụ nữ nông thôn, điều kiện sống, trình độ thường hạn chế, khi xuất khẩu sẽ tiếp cận môi trường mới văn minh, hiện đại, cuộc sống sung túc nên không muốn trở về quê hương. Chả thế mà có ông chồng bức xúc: “Trước cô ấy ở nhà móng chân vàng, đi dép tổ ong, sang nước ngoài có mấy năm đã quay sang chê chồng hôi hám, chân lấm, tay bùn…”. 

Cũng vì vợ xuất ngoại lâu năm không về, thiếu tình cảm nên không ít ông chồng buồn chán tụ tập thành nhóm, thành lập “câu lạc bộ xa vợ” đánh chén, uống rượu định kỳ. Lại có người vướng vào cờ bạc, số đề, sống bê tha. Và lúc này, thiệt thòi nhất vẫn là con trẻ, nếu may mắn sẽ có ông bà, người thân cưu mang, không thì vất vưởng, phải bỏ học lao động sớm, cá biệt có cháu vướng vào vòng lao lý khi ở tuổi vị thành niên.

Ai cũng biết hạnh phúc gia đình, tương lai con cái không vật chất nào đánh đổi được. Một gia đình hoàn hảo không thể vắng thành viên, nhất là phụ nữ để quán xuyến, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho mọi người. Chả thế mà phụ nữ luôn được coi là người “giữ lửa” trong gia đình. Nói như vậy không có nghĩa chị em phải chấp nhận đói nghèo để chăm sóc chồng, con mà hãy biết cân bằng cuộc sống để vừa làm kinh tế, vừa có thời gian chăm lo gia đình. 

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, nếu bắt buộc phải ra nước ngoài lao động, chị em cần cân nhắc, xác định rõ mục tiêu làm kinh tế, cũng chỉ nên đi 3-5 năm. Hãy dành thời gian nhiều nhất có thể để các con được hưởng sự chăm sóc của cả cha và mẹ, từ đó phát triển toàn diện, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...