Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cùng chăm lo việc nghĩa

Cập nhật: 07:00 ngày 16/04/2017
(BGĐT) - Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống mà ở vùng quê ven thành phố có 4 thôn thuộc xã Hương Gián, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn phát huy thuần phong mỹ tục độc đáo về đạo nghĩa, mang nét đẹp văn hóa, được truyền lại từ hàng trăm năm qua.
{keywords}

Bà con làng xóm đến thăm hỏi, uống nước trước ngày giỗ bà Trần Thị Đào, 92 tuổi, ở thôn Đông Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng).

Dịp về thôn Dũng Tiến, tôi chứng kiến đám giỗ đầu cụ Nguyễn Thị Tiếp, thọ 93 tuổi. Từ nửa chiều hôm trước, dù mưa sụt sùi nhưng bà con trong xóm kéo từng đoàn sang thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Bà Nguyễn Thị Tốn, dâu trưởng cụ Tiếp cùng con cháu trải thêm mấy chiếc chiếu để khách ngồi uống nước, ăn trầu. Sau những câu thăm hỏi ân tình, mọi người ngỏ ý sẵn sàng chia sẻ công việc nếu gia đình cần hỗ trợ. Hôm sau giỗ cụ, điều lạ là láng giềng sang đỡ đần nhưng không ăn cỗ, chủ yếu chỉ có con cháu, họ hàng.

{keywords}

Những nét đẹp trong đạo nghĩa ở 4 thôn là vốn quý, là chất keo gắn kết tình làng, nghĩa xóm cần tiếp tục bảo tồn, phát huy. Huyện đang chỉ đạo ngành chức năng khảo sát, đánh giá và nhân rộng tập quán này, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


Ông Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng

Ngày 14 tháng 2 âm lịch (tức 11-3) vừa rồi, tôi lại mục sở thị đám tang cụ Nguyễn Thị Phát, 99 tuổi cùng thôn. Hay tin cụ qua đời, Ban tang lễ gồm trưởng thôn và đại diện các đoàn thể có mặt từ sớm cùng gia đình thống nhất thời gian, các bước tổ chức. Tiếp đó, trưởng thôn tập trung bà con, phân công ai vào việc nấy. Lễ an táng diễn ra trang nghiêm, đúng nghi thức. Người làng có mặt đông đủ, san sẻ cùng gia đình phần nào mất mát đau thương. Sau đó, dân làng trở lại nhà cụ Phát uống nước, ăn trầu, giúp gia chủ dọn dẹp rồi ai về nhà nấy. 

Ông Cao Văn Trí, con cả của cụ xúc động: “Trong lúc tang gia bối rối, được mọi người xúm vào lo toan nên công việc thuận lợi và suôn sẻ. Giờ mẹ tôi đã yên nghỉ, thay mặt anh em, con cháu, xin cảm tạ ân tình của bà con”.

Theo ông Nguyễn Trọng Để, Trưởng thôn Dũng Tiến, việc cộng đồng giúp nhau trong ngày giỗ, bốc mộ hay ma chay là tập tục đẹp được truyền lại từ hàng trăm năm qua và duy trì ở 3 thôn nữa là Tân Tiến, Việt Tiến và Đông Tiến - xã Hương Gián. Tìm hiểu được biết, địa danh này trước kia là Lạc Gián, còn gọi là làng Chỗ. Trải qua thăng trầm lịch sử và yêu cầu thực tiễn, làng tách ra, nhập vào nhiều lần, đến năm 2015 chính thức chia thành 4 thôn. Hiện các thôn có khoảng 750 hộ, gần 3 nghìn khẩu. 

Đời sống nhân dân ngoài sản xuất nông nghiệp thì lứa thanh niên, trung niên rủ nhau làm thợ xây. Cứ thế, người nọ vực người kia và hiện khoảng 600 công dân trở thành cai thầu xây dựng, đi khắp trong Nam, ngoài Bắc lao động. “Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại,  người 4 thôn vẫn giữ gìn, kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa cha truyền, con nối”- ông Trương Công Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Đông Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hương Gián tâm đắc nói.

Quả vậy, bà con 4 thôn luôn ghi nhớ ngày mất của từng người để rồi chẳng ai bảo ai, trước hôm tuần đầu, 49, 100 ngày hay ngày giỗ đều đến thăm hỏi thân nhân và tưởng nhớ người đã mất. Trong không khí thân tình, họ chia sẻ, mách nhau cách làm giàu, dạy dỗ con cái. Cháu nào đến tuổi lao động chưa có việc làm là dân làng xúm lại giao trách nhiệm cho con cái mình giúp đỡ. Vợ chồng hay láng giềng xích mích được các cụ cao niên giảng giải thấu tình, đạt lý, hóa giải nhiều mâu thuẫn. Đây được xem như “diễn đàn” rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đoàn kết dân tộc ngay từ cơ sở. Khi có người qua đời, ai cũng tâm niệm là việc chung nên mỗi nhà ít nhất một thành viên tham gia tang lễ. Thanh niên trai tráng thì làm việc nặng,  phụ nữ giúp việc chè nước, tiếp khách... tận tình, chu đáo đến lúc người mất mồ yên, mả đẹp. 

Chị Đào Thị Tính, quê xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) gần 30 năm làm dâu ở thôn Đông Tiến bộc bạch: “Tôi đi nhiều nơi nhưng chưa thấy cái tình, cái nghĩa ở đâu sâu đậm như nơi này. Tôi luôn răn dạy các con học tập, làm theo để nhân lên những điều tốt đẹp ông cha đã xây đắp”.

Coi việc riêng như việc chung, cùng gánh vác với làng nước là tiềm thức ăn sâu vào suy nghĩ, trở thành hành động tự giác và niềm tự hào của mỗi gia đình làng Chỗ xưa và 4 thôn ngày nay.

Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...