Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công nhân sau giờ tan ca: Thiếu nơi vui chơi, giải trí

Cập nhật: 07:00 ngày 22/04/2017
(BGĐT) - Làm việc trong môi trường công nghiệp với cường độ cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu văn hóa, thể thao ở các doanh nghiệp (DN), địa phương thiếu thốn… khiến phần lớn công nhân ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí. Do vậy, bài toán nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động (NLĐ) ở các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh Bắc Giang vẫn khó tìm lời giải.
{keywords}

Một số thanh niên công nhân đọc sách báo vào lúc rảnh rỗi để tìm hiểu thông tin.

Vòng quay đơn điệu 

Đến thôn My Điền, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) vào lúc trời nhá nhem tối, chúng tôi chứng kiến không khí ồn ã, tấp nập bởi nơi đây tập trung nhiều xóm trọ công nhân nhất trên địa bàn các KCN tỉnh. Trục đường chính vào thôn khá rộng nhưng đúng giờ tan ca, lưu lượng người và xe tăng đột biến khiến việc di chuyển rất vất vả. 

Ngỏ ý làm quen, chúng tôi nhận được cái gật đầu và nụ cười thân thiện của nữ công nhân quê Thanh Hóa Hoàng Thị Luyến (SN 1989). Mở cửa căn phòng trọ chỉ vẻn vẹn 10m2 mời khách vào chơi, Luyến có vẻ ái ngại vì chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc nồi cơm điện cũ, một bếp gas mini và vài quyển sách, báo ở đầu giường. Từ quê lên làm công nhân tại một DN lắp ráp điện tử ở KCN Đình Trám, chị cùng cô bạn đồng hương đã gắn bó với phòng trọ chật hẹp này hơn 5 năm. 

Luyến chia sẻ: “Hằng ngày, chúng em dậy sớm đi làm, cuối chiều tan ca đi chợ, nấu cơm, ăn xong chuyện phiếm rồi đi ngủ lấy sức. Tăng ca mệt mỏi nên ai cũng chỉ thèm ngủ thôi chị ạ!”. Được hỏi: “Cả dãy hơn 10 phòng thế này sao không  góp tiền mua tivi, sách báo hoặc rủ nhau đi xem phim, hát hò”. Ngay lập tức, nữ công nhân lắc đầu phân bua: “Chúng em mỗi đứa một quê, đều khó khăn như nhau nên mới phải lên đây kiếm sống. Đến ăn uống, sinh hoạt còn phải dè xẻn thì đâu dám nghĩ đến những việc xa xỉ như vậy”. 

Khảo sát tại nhiều xóm trọ quanh KCN, đa phần công nhân đều ở tỉnh khác đến, không có người thân, họ hàng nên với lao động nữ, việc duy nhất gọi là thú vui vào ngày nghỉ (và cũng chỉ diễn ra một lần trong tháng) là ngày lĩnh lương. Họ cùng nhau ra chợ vỉa hè mua sắm vài món đồ, cũng có khi chỉ là để ngắm nghía đường phố cho vui mắt, vui tai, bớt đi cái bí bách, đơn điệu của cuộc sống ca kíp thường ngày. 

Còn với nam công nhân, chơi thể thao là một nhu cầu thiết yếu cũng khó được đáp ứng. Anh Lương Quý Tùng, chủ nhà trọ ở thôn Tam Tầng, xã Quang Châu (Việt Yên) cho biết, gia đình có hơn 20 phòng, chủ yếu là công nhân nam thuê. Thông thường cứ cơm nước xong là họ lại ngủ hoặc chơi game và các trò giải trí thông thường trên điện thoại di động. “Sang” hơn thì tụ tập uống trà đá ngoài đầu ngõ. Chẳng mấy bạn trẻ để ý tham gia các hoạt động thể thao bởi cơ sở vật chất không thể đáp ứng. 

Cần sự phối hợp từ nhiều phía 

Có thể nói, công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần tương xứng với thành quả lao động mà họ đang từng ngày cần mẫn tạo ra. Tại các KCN trong tỉnh hiện chưa có hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân như hội trường, nhà văn hóa, sân chơi hoặc phòng tập thể thao. Ở khu dân cư xung quanh thì các thiết chế này còn thiếu nên mới đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Do vậy, sau giờ làm việc, NLĐ chỉ quanh quẩn với việc nấu nướng, kết nối thông tin qua chiếc điện thoại. 

Theo khảo sát của Công đoàn các KCN tỉnh, trên địa bàn có gần 200 DN đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 70 nghìn công nhân. Thế nhưng mới chỉ có 15 công ty có sân bóng đá, cầu lông, bóng chuyền và bàn bóng bàn.

Hằng năm, NLĐ phần nào được giải cơn "khát" văn hóa, thể thao qua các chương trình giao lưu văn nghệ, nấu ăn, giải bóng đá, cầu lông và trò chơi dân gian do LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN, công đoàn cơ sở DN phối hợp tổ chức. 

Thêm nữa, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp duy trì 17 câu lạc bộ nhà trọ thanh niên công nhân tại 4 xã tập trung nhiều DN của huyện Việt Yên là Hồng Thái, Vân Trung, Hoàng Ninh, Quang Châu. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu của hơn 500 lao động trẻ. Tuy nhiên, các hoạt động này diễn ra chưa thường xuyên, chủ yếu lồng ghép vào dịp phát động Tháng công nhân, kỷ niệm các ngày lễ hay tự phát nhỏ lẻ ở các xóm trọ nên cũng chỉ “như muối bỏ biển”.

Để giải bài toán nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh cho công nhân đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, các cấp, ngành liên quan tích cực phối hợp, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020 và Đề án giải quyết một số vấn đề xã hội xung quanh các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2018 của UBND tỉnh. 

Chính quyền quan tâm bố trí quỹ đất, ưu tiên ngân sách đầu tư xây mới, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao xung quanh KCN, nơi có đông công nhân sinh sống; ưu tiên chấp thuận dự án có cam kết đầu tư kinh phí xây dựng công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao cho công nhân. 

Thêm vào đó, vai trò của công đoàn - đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ cũng cần phát huy tối đa. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, cùng với tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, công đoàn cơ sở DN chủ động kiến nghị chủ sử dụng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gắn với bố trí thời gian cho NLĐ nghỉ ngơi, vui chơi. 

Thương lượng và đưa vào thỏa ước lao động tập thể để ràng buộc trách nhiệm của giới chủ; các cấp, ngành kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh DN làm tốt... Chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, các hội, đoàn thể địa phương nhân rộng những mô hình câu lạc bộ nhà trọ, xóm trọ văn hóa tạo điểm sinh hoạt lý thú, bổ ích, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho công nhân.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH JMC Việt Nam, xã Hồng Thái (Việt Yên): Vận động chủ DN tạo không gian sinh hoạt văn hóa  

Thực tế cho thấy, ngoài lý do tiết kiệm chi phí phục vụ sinh hoạt gia đình thì việc công nhân có quá ít thời gian dành cho hoạt động vui chơi giải trí vì tăng ca khiến họ khó được đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa.

Với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, chúng tôi từng bước đề xuất, đưa nội dung tăng lương, giảm giờ làm, hỗ trợ kinh phí tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch… vào thỏa ước lao động tập thể để tạo điều kiện cho công nhân có không gian sinh hoạt văn hóa. Vào những buổi sinh hoạt tập thể như thế, chúng tôi chủ động mời lãnh đạo DN để họ hiểu thêm về đời sống công nhân, tạo sự gắn kết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Việc quan tâm, tạo điều kiện vui chơi, giải trí giúp người lao động yên tâm làm việc góp phần vào sự phát triển của DN. 

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Đào, Bí thư Đoàn xã Hoàng Ninh (Việt Yên): Nhân rộng các mô hình thanh niên công nhân

Được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ, trên địa bàn xã Hoàng Ninh đang duy trì hoạt động 5 câu lạc bộ nhà trọ thanh niên công nhân, thu hút hơn 200 lao động trẻ tham gia. Ba tháng, đoàn xã phối hợp với ban chủ nhiệm câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần song hoạt động mới dừng lại ở liên hoan văn nghệ, chia sẻ tâm tư, tặng quà sinh nhật. Về kinh phí sinh hoạt, đoàn xã thường phải vận động các nhà tại trợ, bởi phần lớn thanh niên đều khó khăn. 

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tổ chức đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động các mô hình này và nhân rộng thêm tại các khu vực tập trung đông công nhân. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất các hình thức hỗ trợ văn hóa, tri thức khác như: Tủ sách pháp luật, góc tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, điểm hẹn âm nhạc… giúp lao động trẻ cải thiện đời sống tinh thần sau tan ca.

{keywords}

Anh Phạm Văn Tình, công nhân Công ty TNHH Daeyang Hanoi (CCN Đồng Đình, Tân Yên): Có sân thể thao để giao lưu, rèn luyện sức khỏe

Vốn yêu thích bóng đá nên trước đây ngày nào tôi cũng luyện tập tại sân vận động ở địa phương. Từ khi vào công ty làm việc, do không tìm được sân bãi phù hợp nên tôi và nhóm bạn cùng sở thích không có cơ hội ra sân, việc rèn luyện nâng cao sức khỏe vì thế hạn chế. Cả công ty mấy nghìn công nhân đều ở xa đến làm việc và ở trọ trong khu vực. 

Vì không có sân bãi vui chơi thể thao nên ngoài giờ làm, nam công nhân như chúng tôi chỉ biết ăn uống, lướt web đọc tin tức rồi đi ngủ. Tôi mong muốn DN, các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng sân thể thao tập trung để người lao động có nơi giao lưu, rèn luyện, nâng cao sức khỏe.

Tường Vi (ghi)

Đỗ Quyên
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...