Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đừng kiểm điểm lỗi lầm trong bữa ăn

Cập nhật: 18:17 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Bữa cơm tối của gia đình ta chẳng lúc nào được vui vẻ, thay vào đó là sự ngột ngạt đến mức khó thở. Chẳng phải em nấu ăn nhạt nhẽo, không vừa miệng mọi người mà lúc nào trên bàn ăn em cũng “khuấy động” khiến cả nhà xem bữa cơm như một cực hình. 
{keywords}
Minh họa: Hà Mi

Bữa ăn được em dọn ra tươm tất, bày biện đẹp mắt, nhìn là thèm ngay. Sau đó em mời, gọi từng người ngồi vào bàn ăn. Nhưng khi cả nhà bưng bát, cầm đũa được vài phút thì em bắt đầu “vào đề”. Em cằn nhằn chuyện học hành của con gái chậm tiến bộ, la rầy thằng út nghịch ngợm ở lớp… Em điều tra, truy hỏi, răn dạy con đủ thứ chuyện. Thậm chí có bữa em còn quát tháo, đánh con tại bàn ăn. 

Hết dạy dỗ các con, em quay sang phàn nàn anh lười biếng, hút thuốc nhiều, có những hành động “khả nghi” mỗi khi đi làm về muộn. Nếu không làm cho ra lẽ, em cứ nói mãi, không “buông tha” cho bất cứ ai. Ngay cả cha mẹ anh cũng bị em “chỉnh” vì cái tật hay dậy sớm lục đục làm mọi người thức giấc. 

Vợ ơi, em có biết không, sau một ngày vật lộn với những công việc ở cơ quan, anh và em đã quá mệt nhọc, ê ẩm cả người. Các con thì quay cuồng bởi hai buổi học căng thẳng ở trường. Còn cha mẹ đã già, họ chỉ muốn không khí yên tĩnh, không om xòm như cái chợ. Vậy mà em chẳng hiểu được điều đó? Anh và cha mẹ góp ý thì em giận dỗi, càng làm tới. Cũng lạ, không biết em sưu tầm, lùng sục ở đâu mà bữa cơm nào cũng có nhiều chuyện để em ca cẩm. Thiếu gì cơ hội để em la rầy con, góp ý với chồng mà em cứ “canh” ngay bữa ăn tối để phàn nàn khiến ai cũng cảm thấy mệt mỏi, nuốt không trôi. 

Anh không muốn mình biến thành một gã đàn ông tồi trong mắt gia đình nên cố hòa nhã cho bữa cơm ấm cúng. Nhưng sự nhường nhịn của anh càng làm em lấn lướt. Ông bà ta có câu “Trời đánh còn tránh bữa ăn” muốn nhắc nhở chúng ta rằng bữa ăn của người Việt rất quan trọng, nhất là khi cả gia đình sum họp. 

Vợ à, trên bàn ăn, chúng ta có thể chia sẻ nhiều chuyện vui thường ngày, những mặt tích cực của mỗi thành viên, một trận bóng, bộ phim… sẽ khiến không khí vui vẻ hơn. Nếu muốn phê bình ai đó nên chờ bữa ăn kết thúc rồi góp ý nhẹ nhàng, khéo léo thì chắc chắn sẽ hiệu quả.

Đặng Trung Thành

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...