Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoàn thành bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trước ngày 30-6-2017

Cập nhật: 20:36 ngày 24/04/2017
Đây là chỉ đạo quyết liệt của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc họp chiều 24-4 của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
{keywords}

Họp bàn về tình hình xử lý sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã phân bổ kinh phí được tạm cấp đợt 3 cho cấp huyện và đang tiếp tục thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân. Tính đến hôm nay, 4 tỉnh này đã giải ngân được hơn 4 nghìn 200 tỷ đồng, đạt 93,7% số tiền đã phê duyệt. 4 tỉnh đã tiêu hủy trên 1 nghìn tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hiện tại, hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản đã phục hồi rõ rệt; người dân tích cực bám biển sản xuất và từng bước chuyển đổi các nghề khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ.

Số lượng tàu thuyền ra khơi đánh bắt trên biển đã tăng dần: Tàu khai thác ven bờ đạt tỷ lệ từ 70-80%, tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt tỷ lệ từ 85-90%. Sản lượng khai thác hải sản quý 1-2017 đạt trên 25 nghìn tấn. Người dân đang tích cực khắc phục khó khăn để khôi phục, ổn định sản xuất. Sản lượng nuôi thủy sản tương đương cùng kỳ năm 2016. Hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản đã hoạt động bình thường trở lại, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, các địa phương cần xác định đúng đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình bồi thường. Đặc biệt, khẩn trương chi trả bồi thường thiệt hại, hoàn thành dứt điểm trước 30-6-2017, chuyển sang dự án hỗ trợ sinh kế cho bà con và quan trắc môi trường: “Mục tiêu làm thế nào xác định chính xác đối tượng để tiến hành đền bù, chi trả cho khẩn trương, quyết liệt cho bà con, rồi chuyển qua hỗ trợ sinh kế để tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề nghiệp, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi hơn cũng như hỗ trợ các mặt để bà con đẩy nhanh phát triển sản xuất, phục vụ cho bảo đảm, bảo vệ bền vững môi trường; triển khai thiết bị quan trắc để kịp thời phát hiện sự cố”.

Đối với số lượng hải sản lưu kho tại các địa phương chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và vượt khối lượng so với báo cáo vào tháng 11-2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao UBND các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo chính xác, nếu đủ căn cứ thì bồi thường. Bộ Tài chính trực tiếp hướng dẫn và kiểm tra, nếu cần lập đoàn công tác xác minh, làm rõ.

Giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh thực hiện bồi thường hỗ trợ bổ sung cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về khối lượng, số lượng đối tượng, phạm vi bồi thường và bảo đảm tính công khai, dân chủ cơ sở.

Liên quan đến kiến nghị cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm hải sản khô không dùng làm thực phẩm cho người được, hiện đang lưu kho tại các xã, phường, thị trấn ven biển, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo định lượng và kinh phí dự kiến phát sinh và về tính xác thực, đúng quy định về số sản phẩm này. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn các địa phương lấy mẫu quan trắc, giám sát và công bố kết quả đánh giá chất lượng môi trường nước biển của 4 tỉnh này và giám sát môi trường đối với hoạt động của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Theo Lê Thơm/VOV


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...