Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cộng đồng doanh nghiệp Bắc Giang tri ân người có công

Cập nhật: 08:43 ngày 20/06/2017
(BGĐT) - Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn khắc ghi truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Theo đó, mỗi đơn vị có việc làm cụ thể, thiết thực chung tay chăm lo đời sống người có công, hộ chính sách.
{keywords}

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

Uống nước, nhớ nguồn

Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến con em thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng đang làm việc tại DN. Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Hạ, xã Xuân Hương (Lạng Giang), công nhân tổ chuyền tại Xí nghiệp May Lạng Giang (chi nhánh của Công ty) là một ví dụ. Bố chị- liệt sĩ Nguyễn Văn Tín hy sinh khi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, lúc đó chị vừa tròn một tuổi. Mẹ chị thường xuyên đau ốm khiến gia đình thiếu thốn trăm bề.

Thương mẹ, Thúy luôn đỡ đần mẹ sớm hôm, đủ tuổi thì đi vào làm công nhân may. Chị nhớ lại: “Ngày đó, hai mẹ con sống trong căn nhà chật hẹp, xập xệ. Có hôm mưa to, ở trong nhà chẳng khác ngoài trời. Nước lênh láng đầy nhà, đang đêm hai mẹ con ôm nhau chạy hết góc này đến góc khác để trú, sau đó tát nước ra ngoài”. Nắm bắt được gia cảnh của chị, Công ty đã khảo sát, trích kinh phí xây mới cho mẹ con chị căn nhà tình nghĩa rộng gần 70 m2 với các hạng mục phụ trợ đầy đủ.

“Nếu không có Công ty xây nhà cho thì chẳng biết đến bao giờ mẹ con tôi mới làm được. Tôi luôn trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ ấy và tự nhủ cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao để góp sức cho DN ngày càng phát triển”, chị Thúy tâm sự. Được biết, Công ty có 12 lao động là con thương binh, liệt sĩ. Vào dịp 27-7, lễ, Tết, Công ty đều tổ chức tặng quà, thăm hỏi các đối tượng này. Hằng năm DN còn tặng quà một số thương, bệnh binh. Mới đây nhất, DN ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh 50 triệu đồng. 

Tương tự, Viettel Bắc Giang cũng thực hiện nhiều hoạt động tri ân người có công như: Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhậm, xã Vũ Xá (Lục Nam) có chồng và con trai là liệt sĩ; năm 2014 bắt đầu đỡ đầu hai con (một cháu sinh năm 2011, một sinh năm 2014) của liệt sĩ Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Cà 2, xã Tân Quang (Lục Ngạn) - hy sinh trong vụ tai nạn máy bay huấn luyện tháng 7-2014, mức trợ cấp 1 triệu đồng/cháu/tháng đến khi hết 18 tuổi; mùng Một hằng tháng, đơn vị phân công cán bộ, công nhân viên thắp hương, dọn cỏ tại 11 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các huyện, TP. Đặc biệt, giai đoạn năm 2014-2016, DN đã trao 112 con bò cho cựu thanh niên xung phong, thương, bệnh binh ở hai huyện Lục Ngạn, Sơn Động.

Anh Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng Chính trị Viettel Bắc Giang cho biết: “Do con giống bảo đảm chất lượng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc thường xuyên nên đàn bò đều khỏe mạnh. Ở một số hộ, bò đã sinh sản có bê con bán để cải thiện cuộc sống”. Điển hình, hộ ông Lục Văn Phúc, thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) là cựu thanh niên xung phong. Sau khi được trao bò, gia đình luôn quan tâm chăm sóc, phòng bệnh. Đến nay, ông đã bán một con bê, bò mẹ sắp đẻ lứa mới.

{keywords}

Viettel Bắc Giang trao bò cho hộ chính sách tại xã Dương Hưu (Sơn Động).

Sản xuất kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội

Những DN làm tốt công tác an sinh xã hội gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang; Viettel Bắc Giang; Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh; Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang...

Ngoài các đơn vị trên, nhiều DN đã tích cực chung tay chăm lo, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, trong đó có đối tượng chính sách. Tổng hợp của Hiệp hội DN tỉnh, năm 2016, cộng đồng DN trong tỉnh đã ủng hộ tổng số tiền gần 40 tỷ đồng. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều gia đình thương, bệnh binh, có công với cách mạng được cải thiện; hàng chục căn nhà được cải tạo, xây mới. Phát huy việc làm ý nghĩa đó, năm nay, hướng đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Hiệp hội đã có công văn gửi các DN hưởng ứng. Theo tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến ngày 11-6, toàn tỉnh có 11 DN ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Kha, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, kinh nghiệm để các DN thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm sóc, tri ân người có công, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công nhân viên hiểu được truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, tạo sự đồng thuận và trở thành phong trào rộng khắp. Tiếp đến, chăm sóc tốt những cá nhân, người lao động tại DN thuộc diện chính sách bởi lãnh đạo DN là người sẽ hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ để từ đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Bằng những việc làm thiết thực, mỗi DN có thể chọn hình thức tham gia khác nhau. Một số DN vận động người lao động làm một ngày công ích; có đơn vị lại quyên góp kinh phí ủng hộ hay định kỳ thăm hỏi, động viên, tặng quà vào những dịp lễ, Tết; hỗ trợ xây nhà hoặc giúp đỡ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tạo việc làm.

Thực tế ở Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang cho thấy, là đơn vị sản xuất giống, Công ty hỗ trợ người có công, gia đình chính sách bằng giống lúa, rau màu các loại phù hợp ở từng địa bàn bảo đảm sao cho giống phát huy lợi thế nhất. Riêng vụ mùa này, Công ty đang tiến hành rà soát, hỗ trợ khoảng 10 ha lúa chất lượng cho bà con. Còn Viettel Bắc Giang hoạt động với phương châm “sản xuất kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội” nên trước khi được tuyển dụng vào làm việc trong DN, các nhân viên đều được quán triệt tinh thần này. Do đó việc triển khai thực hiện các cuộc vận động đều thuận lợi, đạt kết quả cao. 

Để công tác an sinh xã hội tiếp tục lan tỏa, rộng khắp, góp một phần chăm sóc người có công, gia đình chính sách, những năm tới, Hiệp hội DN tiếp tục chú trọng triển khai nhiệm vụ này ngay từ đầu năm; định kỳ đánh giá theo dõi, đôn đốc và xếp loại thi đua DN trong Hiệp hội.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...