Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải quyết chế độ cho dân công hỏa tuyến: Kịp thời, không bỏ sót đối tượng

Cập nhật: 10:23 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Thực hiện Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến (DCHT) tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đã xét duyệt, báo cáo Quân khu 1 hơn 21 nghìn hồ sơ, hiện đã chi trả 3 đợt cho gần 5 nghìn đối tượng. Quá trình triển khai bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời.
{keywords}

Chi trả chế độ cho dân công hỏa tuyến ở huyện Lục Nam.

Niềm vui lớn

Chúng tôi được Đại úy Trần Văn Tú, Trợ lý Chính sách, Ban CHQS huyện Lạng Giang đưa đến thăm gia đình ông Nguyễn Đức Thành (SN 1957) ở thôn Hạ, xã Tân Thịnh. Hỏi về việc chi trả chế độ DCHT, ông Thành phấn khởi: “Vợ chồng tôi cùng nhập ngũ năm 1978 sau khi cưới nhau vài tháng. Tôi xuất ngũ năm 1981, còn bà ấy trở về địa phương sớm hơn một năm. Đã gần 40 năm trôi qua, chúng tôi đều nghĩ năm xưa lên đường vì tinh thần xung phong, trách nhiệm với Tổ quốc, không nghĩ tới việc hưởng chế độ sau này”.

Khi Quyết định số 49 được triển khai, ông Thành không còn bất cứ giấy tờ liên quan nào, còn vợ giữ được quyết định đi DCHT của UBND xã An Hà (lúc bấy giờ). Sau khi Hội đồng chính sách xã hướng dẫn cách kê khai, tổ chức xét duyệt, cuối năm ngoái, vợ chồng ông được chi trả 3,5 triệu đồng/người. Trước khi ra về, đồng chí Trợ lý Chính sách còn hướng dẫn vợ chồng ông Thành sao chụp một số giấy tờ liên quan và mang đến trụ sở Ban CHQS huyện để công chứng, hoàn thành thủ tục nhận bảo hiểm y tế. 

Ở thôn Minh Khai, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn), bà Dương Thị Phú (SN 1957) cũng được chi trả 2,7 triệu đồng. Năm 1979, bà xung phong đi làm đường, vận tải lương thực, thực phẩm phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau hai năm, bà trở về quê nhà và lập gia đình. Thiệt thòi hơn những cặp đôi khác, vợ chồng ông bà không có con, ngôi nhà che mưa nắng ngày càng xuống cấp. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội, bà Phú đã nhận đầy đủ chế độ, chính sách, trong đó có chế độ DCHT. Sau đó, bà tích cực tuyên truyền nội dung Quyết định số 49 tới đông đảo bà con trong thôn. Nhiều người mất giấy tờ, bà Phú trở thành nhân chứng xác minh cho việc họ cùng đi nhập ngũ với mình giúp quá trình xét duyệt hồ sơ của Hội đồng chính sách xã nhanh chóng, thuận lợi hơn. 

Khắc phục khó khăn

Hiện nay, đã có quyết định chi trả chế độ DCHT (đợt 4) cho gần 6 nghìn đối tượng. Dự kiến, tỉnh sẽ chi trả trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Thực, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh), quá trình thực hiện Quyết định số 49 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và  phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, MTTQ các cấp.

Tuy vậy, khó khăn chung của toàn tỉnh khi giải quyết chế độ DCHT là phần lớn đối tượng đều mất giấy tờ; DCHT thời kỳ chống Pháp đã cao tuổi, không còn minh mẫn trong khi thân nhân của người đứng ra kê khai thiếu chính xác. 

Khắc phục khó khăn trên, các địa phương đã có cách làm hiệu quả, trong đó ưu tiên những trường hợp đủ tiêu chuẩn, hồ sơ trước. Tìm hiểu ở huyện Lạng Giang được biết, Hội đồng chính sách các xã đã xét duyệt hơn 4,5 nghìn hồ sơ, trong đó gần 4 nghìn hồ sơ đủ điều kiện đã báo cáo về huyện. Đặc thù ở Lạng Giang là có các đối tượng kê khai tham gia quét dọn sân bay Kép, bốc hàng ở khu vực ga phố Tráng, kê khai thời gian đi DCHT từ tháng 12-1978 không đúng thời gian quy định theo Quyết định số 49 nên quá trình xét duyệt hồ sơ gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều cuộc họp bàn, huyện đã thống nhất để lại hơn 500 hồ sơ để tiếp tục xác minh, số còn lại kịp thời chuyển cấp trên xét duyệt theo quy định.

Cùng đó, thời gian đầu, các huyện, TP khảo sát đối tượng lần lượt từ chống Pháp, chống Mỹ đến tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cách làm này khiến quá trình xét duyệt kéo dài. Để đẩy nhanh tiến độ, các đơn vị đã khảo sát đồng loạt, công tác thống kê, lưu giữ hồ sơ theo đó được thực hiện tỉ mỉ, khoa học hơn. Theo đó, cấp xã, phường, thị trấn lưu danh sách khảo sát đối tượng, biên bản họp, công văn đề nghị và danh sách đề nghị của Hội đồng chính sách. Cấp huyện, TP lưu danh sách và công văn đề nghị hưởng. Cấp tỉnh lưu danh sách, công văn của Ban CHQS huyện, TP và một bộ hồ sơ của đối tượng, bản phô tô giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (nếu có), công văn và danh sách đề nghị của Bộ CHQS tỉnh. Nhờ cách làm này, việc giải quyết chế độ cho DCHT được thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...