Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cửu vạn, mùa hốt bạc

Cập nhật: 14:43 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Đến hẹn lại lên, vào mùa thu hoạch vải thiều, người làm nghề tự do như thu hái, đóng thùng, khuân vác hay còn gọi là "cửu vạn" ở nhiều nơi lại đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tìm việc. Năm nay, vải thiều mất mùa song với họ đây vẫn là dịp "hốt bạc" dù công việc khá vất vả, cực nhọc.
{keywords}

Lao động làm thuê tại khu vực ngã 3 Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Chúng tôi có mặt tại khu vực ngã 3 Kép, xã Hồng Giang - một trong những nơi tập trung nhiều điểm cân vải của huyện Lục Ngạn. Không khí ở đây khá nhộn nhịp. Mỗi điểm có hơn 10 cửu vạn (chủ yếu là nam giới) với nhiều độ tuổi khác nhau đang người nào việc ấy dưới cái nắng gắt mùa hè: Tốp này đóng vải vào thùng xốp, tốp khác khuân hàng xếp ngay ngắn lên thùng xe tải... Tranh thủ lúc giải lao, anh Vũ Tuấn Đạt, thôn Luồng, xã Biên Sơn cho biết, anh làm công việc này khoảng 20 năm nay, tổ bốc vác của anh thường có hơn chục người, chủ yếu là họ hàng, người thân. Trung bình, làm một tấn vải thiều bao gồm các công đoạn: Bốc dỡ xuống, ngâm nước đá, đóng vào thùng xốp, vác lên ô tô, các anh được trả 600 nghìn đồng. Thời gian làm việc từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày, cũng có hôm muộn hơn tùy lượng hàng thu mua. "Thu hoạch vải thiều đúng vào mùa hè, trời nắng nóng nên công việc khá vất vả nhưng đổi lại mình và anh em có thu nhập cao. Trừ chi phí ăn uống, trung bình mỗi người cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày"- anh Đạt phấn khởi. 

{keywords}

Vác đá cây khá vất vả song trung bình mỗi lao động ở Lục Ngạn cũng thu về khoảng 1,2 triệu đồng/ngày.

Tại các điểm thu mua vải thiều khác như: Kim, xã Phượng Sơn; ngã 3 cầu Cát, xã Nghĩa Hồ; ngã 3 Cầu Chét, xã Phì Điền và một số điểm ở xã Giáp Sơn, Tân Hoa... cũng có khá nhiều lao động bốc vác, trong đó không ít người ở địa phương khác. Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Thượng, xã An Châu (Sơn Động) có xe ô tô kinh doanh vận tải nhưng cứ vào vụ vải thiều lại tạm dừng chạy xe để đi bốc hàng. Cách đây 20 ngày, anh xuống huyện Linh Giang (Hải Dương) làm vải sớm, hết vụ lại quay về Lục Ngạn. Thường, tổ của anh có khoảng chục người, bốc xếp khoảng 9 tấn vải tươi/ngày. Ước tính, sau gần hai tháng, mỗi người kiếm được từ 40-50 triệu đồng. Theo anh Hải, làm nghề bốc vác phải có sức khỏe, biết việc. Do quả vải dễ bị hư hỏng nên khi ngâm rửa, khiêng, vác, đóng thùng xốp phải hết sức nhẹ nhàng. Khâu ướp đá, đóng gói cũng phải nhanh tay để chủ hàng kịp vận chuyển đi tiêu thụ. "Nếu chậm trễ, quả vải sẽ xuống mã, bán mất giá. Có ngày, chúng tôi phải làm xuyên trưa, thậm chí 22 giờ đêm mới nghỉ", anh Hải nói. 

Người làm nghề bốc vác ở vụ vải thiều phải có sức khỏe, biết việc. Do quả vải dễ hư hỏng nên khi khiêng hay đóng thùng xốp phải hết sức nhẹ nhàng. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người/ngày.

Nhiều lao động nữ ở các xã trong huyện cũng tranh thủ đến các điểm cân vải để làm thuê với công việc nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là cắt cuống, trang trí quả vải, dán nhãn mác trước khi đóng thùng, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày (mỗi ngày làm việc chỉ 5-6 tiếng). 

Ước tính dịp này, có hàng nghìn lao động mùa vụ đến Lục Ngạn làm việc. Do lượng lao động đông, với nhiều thành phần, lứa tuổi nên ngành chức năng huyện đã chủ động công tác bảo đảm an ninh trật tự. Thiếu tá Lại Minh Tiến, Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết: Trước khi bước vào vụ vải, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn bố trí cán bộ nắm bắt tình hình địa bàn; quản lý các đối tượng tạm trú. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các địa điểm cho thuê cân vải; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc gây mất an ninh, trật tự hoặc liên quan đến tệ nạn xã hội. Mục tiêu của công an huyện và các ngành là tạo thuận lợi nhất cho người dân, tư thương thu hoạch, tiêu thụ vải thiều.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...