Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao: Người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà

Cập nhật: 13:41 ngày 03/07/2017
(BGĐT) - Sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao (mức độ 3 và 4) giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí khi giao dịch qua Internet. Tuy nhiên, ghi nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang và bộ phận một cửa các huyện, thành phố, người dân, doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà.  

{keywords}

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công.

Sức ỳ tâm lý

Thực hiện Nghị quyết 136-ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đề ra lộ trình đến năm 2017 có 30% TTHC được giải quyết trực tuyến mức độ 4. Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nhưng người dân, DN vẫn chưa mặn mà.

Tại bộ phận một cửa Sở Nông nghiệp và PTNT ở Trung tâm Hành chính công tỉnh, anh Trần Đình Từng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tùng Dương, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) đến giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp. Hồ sơ của anh hoàn toàn giải quyết ở mức độ 4 nhưng theo anh Từng, dù mất thời gian nhưng vẫn đến tận nơi vì không quen giao dịch trên mạng và cũng không biết các thao tác thực hiện. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 5-2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp nhận hơn 200 hồ sơ liên quan đến các DVCTT mức độ 3 và 4 nhưng chỉ có 26 hồ sơ gửi qua mạng. 

Các sở, ngành và ngành dọc đứng chân trên địa bàn tỉnh đã cung cấp 309 DVCTT mức độ 3 và 27 dịch vụ mức độ 4. Việc áp dụng DVCTT giúp cơ quan nhà nước giảm tải được áp lực, giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, khoa học hơn. Người dân, DN được hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh được hiện tượng phiền hà song số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến vẫn rất ít. 

Thậm chí, bộ phận một cửa tại nhiều đơn vị như: Sở Tư pháp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Ngoại vụ vẫn chưa nhận được hồ sơ trực tuyến nào. Ở cấp địa phương, hầu hết các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế, Hiệp Hòa đã nâng cấp hàng chục TTHC ở mức độ 3 thuộc lĩnh vực trợ cấp xã hội, đăng ký kinh doanh nhưng cũng chưa thể giải quyết trực tuyến vì không có đối tượng đăng ký. 

Chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn

DVCTT mức độ 3: Là dịch vụ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

DVCTT mức độ 4: Là dịch vụ cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

(Nguồn: Nghị định số 43 ngày 13-6-2011 của Chính phủ)

Theo bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ chuyên trách bộ phận một cửa Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân DVCTT chưa thu hút người dân, DN là do khả năng sử dụng internet hạn chế; một số cá nhân, tổ chức không có máy móc, thiết bị để quét hồ sơ; một số thủ tục yêu cầu đính kèm nhiều thành phần giấy tờ; kết quả trả qua mạng không đáp ứng được yêu cầu về dấu đỏ của người dân, DN... 

Khắc phục tình trạng người dân, DN chưa mặn mà, một số sở, ngành đã thực hiện các giải pháp để thu hút công dân điện tử. Từ ngày 1- 6 năm nay, Sở Giao thông - Vận tải đưa vào giải quyết TTHC cấp giấy phép kinh doanh vận tải mức độ 4. Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc Sở cho hay, cuối tháng 5 vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục này ở mức độ 4 cho hơn 100 DN, hộ kinh doanh vận tải. Cán bộ một cửa các sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Ngoại vụ… cũng dành thời gian trực tiếp giới thiệu các TTHC có thể giải quyết ở mức độ 3 và 4 cho cá nhân, tổ chức. 

Về giải pháp lâu dài, ông Bùi Huy Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc ứng dụng DVCTT. Đồng thời phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức phát phiếu hướng dẫn quy trình giải quyết TTHC qua mạng internet. Các huyện, thành phố công bố danh mục các TTHC thực hiện mức độ 3 và 4 qua hệ thống truyền thanh; các sở, ngành tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ”. 

Nhiều ý kiến cho rằng, các huyện, thành phố nên lắp đặt hệ thống máy tính công cộng có kết nối internet tại UBND xã, phường để người dân tiện truy cập; thành lập bộ phận tư vấn, hướng dẫn riêng về giải quyết hồ sơ qua mạng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trực tuyến so với nộp trực tiếp. Các sở, ngành tiến hành khảo sát, đánh giá để phân loại những dịch vụ công nào người dân, DN có nhu cầu sử dụng qua mạng cao thì tập trung đầu tư cải tiến, tránh lãng phí.

Nhật Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...