Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khách quê

Cập nhật: 07:00 ngày 09/07/2017
(BGĐT) - Sinh sống, định cư ở thành thị, gia đình nào cũng có ít nhất một vài lần đón khách ở quê. Có khách tiện đường đến thăm nhà, có khách đưa người thân đi khám chữa bệnh, con cháu đi thi... Nhiều gia đình coi đây là dịp gặp gỡ, thể hiện tình cảm với anh em, họ hàng nhưng cũng không ít trường hợp cảm thấy phiền toái do bất đồng về thói quen sinh hoạt.
{keywords}

Chủ - khách cùng vui bên mâm cơm gia đình. Ảnh minh họa.

Khách cần chỗ dựa, niềm tin

Vợ chồng chị Thủy mỗi người một quê, sau khi kết hôn cùng sinh sống, lập nghiệp ở TP Bắc Giang. Hôm vừa rồi, có người dì bên chồng ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn) ốm nặng, phải đưa xuống cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận được tin, anh chị vội vã vào thăm. Biết bệnh tình của dì phải nằm viện lâu dài, nhà ở phường Hoàng Văn Thụ gần bệnh viện, chị Thủy dọn sẵn một phòng ở tầng hai, mời mấy người em, cháu thay nhau chăm sóc dì vào nghỉ ngơi, tắm giặt, tiện thể dùng cơm với gia đình. Được mọi người vui vẻ đồng ý, chị mừng lắm, chả mấy khi nhà có người thân ở quê đến. Chị coi đây là dịp thể hiện tình cảm chân thành của mình đến gia đình nhà chồng.

Khoảng mươi năm trước, anh Vinh- chị Ngân ở phường Trần Nguyên Hãn không dám trái lời đề nghị của bố mẹ cho hai đứa cháu họ ở quê đến ở nhờ gần một tháng ôn thi đại học. Mặc dù đồng ý nhưng trong thâm tâm chị không thấy thoải mái. Nguyên nhân do nếp sinh hoạt bị đảo lộn, thay đổi, bản thân lại vất vả phục vụ nhiều người cộng với cửa nhà lúc ấy chật chội, tiện nghi thiếu thốn. Lo nhất khi về quê chồng lại bị mang tiếng có nhà ở thành phố lại từ chối con cháu dưới quê lên nên chị phải miễn cưỡng đồng ý mà lòng kém vui.

Câu chuyện của gia đình chị Thủy, chị Ngân chỉ là hai ví dụ cho vô vàn câu chuyện về người ở quê ra thành thị. Họ lên thành phố chủ yếu đưa người thân đi khám chữa bệnh, gửi con cháu đi ôn thi hoặc thăm thú ... Những lúc ấy, việc trước tiên họ nghĩ đến là nơi đó có người quen, người thân hay không để có thể tá túc ít ngày. Lý do tiết kiệm chi phí chỉ là phần nhỏ, quan trọng nhất là khi đến một nơi xa lạ, mới mẻ, họ cần người nhà, người quen làm chỗ dựa, niềm tin.

Cốt ở tấm lòng

Nhiều gia đình trước kia nhà cửa chật chội, ước ao có một ngôi nhà rộng rãi, tiện nghi để mỗi khi có khách ở quê ra, cả chủ và khách đều không phải ái ngại, khó xử. Khi niềm ao ước đó trở thành hiện thực thì việc giữ được khách quê ở lại nhà, ăn một bữa cơm thân tình dường như lại trở nên khó khăn. Bà Tình (65 tuổi) ở xã Quảng Minh (Việt Yên) lên TP Bắc Giang ở cùng con trai đã hơn chục năm. Trước kia nhà cửa chật chội không nói làm gì, nay xây được ngôi nhà mới tiện nghi, vậy mà có người thân ở quê nằm viện dài ngày, bà và vợ chồng con trai thuyết phục mãi chẳng ai vào ngủ nghỉ, chỉ qua chơi chốc lát cho biết nhà, mời mọi người ăn bữa cơm cùng gia đình còn khó khăn. Đôi lúc sự từ chối đó làm người thành phố có cảm giác băn khoăn, nghĩ ngợi; lục vấn lại mình ăn ở, ứng xử thế nào mà để người thân từ chối đến nhà? Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có làm mất đi tình cảm với người thân, xa dần những khoảng cách?

Theo xu hướng hiện nay, xã hội phát triển, nhiều dịch vụ mọc lên, ngay như trong môi trường bệnh viện cũng có rất nhiều dịch vụ tại chỗ rất thuận tiện. Trước kia thay vì vào nhà người thân ở gần mượn cái phích, chiếc quạt hay chăn, màn, gối... thì nay những vật dụng đó, kể cả ăn uống, ngủ nghỉ phòng điều hòa, tắm nóng lạnh, giặt là, gội đầu đều đủ cả. Phương tiện đi lại, điện thoại cũng thuận lợi. Ngay cả việc ôn luyện thi đại học giờ cũng không còn sốt xình xịch như xưa. Với những người ở quê, suy nghĩ cũng có nhiều thay đổi. Họ chọn cách nào tốt nhất để tránh sự e ngại của gia chủ, xóa đi mặc cảm nhờ vả, làm phiền. Điều quan trọng ở đây là không phải cứ ở cùng, ăn cùng mới là thể hiện sự quan tâm đến nhau. Vấn đề cốt lõi chính là ở sự chân thành, sẻ chia với người ở quê mỗi khi họ có việc cần giúp đỡ, là cách từng người quan tâm đến nhau như thế nào mà thôi.

Phong Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...