Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số: Sát nhu cầu để tăng hiệu quả

Cập nhật: 08:35 ngày 13/09/2017
(BGĐT) - Đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số đã giúp nhiều gia đình có công ăn việc làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dù được ví là trao “cần câu” cho bà con vùng khó khăn song công tác này còn những hạn chế nhất định do nhiều lao động không phát huy được kiến thức học tập.
{keywords}

Lớp thực hành nghề may công nghiệp cho người dân tộc thiểu số tại Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế.

Chưa bền vững

Sau gần 7 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề của Chính phủ, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1 nghìn lao động DTTS tham gia. Nguồn ngân sách T.Ư đầu tư từ 8 đến 11 tỷ đồng/năm. Học viên tham gia được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại. Cùng đó, tại các huyện, nhiều chương trình dạy nghề khác như 30a, lớp học ngắn hạn của các tổ chức đoàn thể xã hội cũng được tổ chức. Qua đây nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người DTTS. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết.

Tại huyện Sơn Động, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chương trình 30a, 5 năm qua, huyện có gần 2 nghìn người DTTS được học nghề. Các lớp đào tạo gồm: Chăn nuôi thú y; nuôi ong, thỏ; trồng nấm; dược liệu; sửa chữa cơ khí - máy nổ nông nghiệp; may công nghiệp và điện dân dụng. Do trình độ văn hóa của bà con không đồng đều nên khó tiếp thu kiến thức. Hầu hết có tâm lý ngại đi làm xa nhà, nhiều lao động sau khi kết thúc khóa học không tìm được việc làm.

Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, khoảng 80% lao động học nghề nông nghiệp áp dụng kiến thức tự sản xuất tại gia đình nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững. Tỷ lệ sử dụng nghề điện dân dụng, sửa chữa cơ khí - máy nổ nông nghiệp của lao động sau khi hoàn thành khóa học rất ít. Điển hình như anh Nông Văn Tập, dân tộc Nùng, thôn Riễu, xã Dương Hưu, tốt nghiệp lớp đào tạo cơ khí năm 2016 nhưng vẫn chưa có công việc ổn định. “Lớp học trong thời gian ngắn, tôi chưa có nhiều kỹ năng nghề, ngại xin việc ở nơi xa nên ở nhà làm nông”, anh Tập cho biết. Ngoài anh Tập, hơn 20 học viên DTTS tham gia lớp này cũng chỉ sửa chữa vật dụng trong gia đình, không xin được việc làm hoặc chưa đủ khả năng mở xưởng sản xuất tại gia đình.

Ở huyện Yên Thế, mỗi năm địa phương đào tạo nghề cho khoảng 100 người DTTS theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, người DTTS có việc làm và thu nhập ổn định sau học nghề không cao, nhiều lao động chưa áp dụng kiến thức vào sản xuất nông nghiệp do nhận thức kém. Lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp mới dừng ở mức sơ cấp hoặc dạy nghề ngắn hạn, học viên sau tốt nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Những lao động có tay nghề khó mở xưởng sản xuất do thiếu vốn đầu tư.

{keywords}

Gia đình ông Nông Văn Lai, dân tộc Nùng, thị trấn An Châu (Sơn Động) nuôi thỏ sau khi được học nghề.

Phối hợp cùng gỡ khó

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo cho hơn 15 nghìn lao động DTTS, cơ cấu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 65%, công nghiệp - xây dựng tăng 20%, dịch vụ tăng 15%.

Trao đổi với ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH được biết, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho người DTTS trên địa bàn tỉnh một phần đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đầu ra nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự bền vững. Lao động tham gia học nghề nông nghiệp chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình, thiếu liên kết và vốn đầu tư sản xuất nên chưa phát huy hết tiềm năng sau đào tạo. Thậm chí, nhiều đối tượng đăng ký đi học chỉ để nhận tiền trợ cấp.

Để khắc phục những hạn chế này, việc mở lớp đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu người dân, đáp ứng quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng kiến thức sau đào tạo. Ví như ở huyện Lạng Giang, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các hội, đoàn thể khảo sát, nắm tình hình thực tế của các xã, thị trấn để lựa chọn mở lớp đào tạo phù hợp. Mỗi năm huyện mở từ 3-4 lớp, trong đó một nửa học nghề nông nghiệp, còn lại là may mặc. Trong thời gian đào tạo, giảng viên thường xuyên kiểm tra kiến thức, bố trí tăng tiết thực hành cho học viên theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Sau tốt nghiệp, đại diện các hội, đoàn thể có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn bà con xây dựng mô hình kinh tế phù hợp từ đó nâng cao tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm.

Hương Lạc là xã có nhiều diện tích vườn đồi, địa phương dựa vào thực tế để lựa chọn lớp học về sản xuất nông nghiệp phù hợp nhu cầu người dân. Năm 2014, gia đình ông Vi Văn Hòa, dân tộc Nùng, thôn Bén, xã Hương Lạc được tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y. Từ vốn kiến thức được học, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng quy mô nuôi lợn, gà, bò, trồng cây vải... trên diện tích 1 ha. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng để thu hút người DTTS tích cực tham gia các lớp học nghề, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, chính quyền địa phương đổi mới phương pháp đào tạo, mở lớp dạy nghề sát nhu cầu của người dân, tránh lãng phí. Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ nhằm tăng cơ hội làm việc cho lao động. Quan tâm gắn đào tạo nghề nông theo hướng thực nghiệm đồng ruộng. Cùng đó, hỗ trợ bà con vay vốn đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người DTTS.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...