Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hãy quan tâm, chăm sóc gia đình khi có thể

Cập nhật: 16:09 ngày 24/09/2017
(BGĐT) - “...Ngày mai con khôn lớn/Bay đi khắp mọi miền/ Con đừng quên con nhé/ Ba mẹ là quê hương”. Những câu hát trên nhắc nhở chúng ta dù ở đâu và trên cương vị nào cũng cần nhớ về bố mẹ, gia đình thân yêu của mình. Thế nhưng trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, không ít người đã quên mất gia đình của mình, quên rằng bố mẹ ở nhà vẫn ngày đêm mong ngóng các con.
{keywords}

Bữa cơm gia đình đầm ấm yêu thương.

Những ngày đầu bỡ ngỡ, chân ướt chân ráo từ quê ra Hà Nội nhập học qua đi, N (Đại học Công nghiệp Hà Nội) dần quen với bạn bè, với nhịp sống nơi đô thành. Kỳ học đầu tiên, cuối tuần nào N cũng bắt xe khách Mỹ Đình - Bắc Giang về nhà nhưng sau đó tần suất về thưa dần; có khi 2- 3 tháng không về, cuối tháng mới gọi điện bảo bố chuyển tiền vào tài khoản ATM. N kiếm cớ bận học thêm, bận tham gia các chương trình ngoại khoá, thực ra nhiều khi chỉ tụ tập bạn bè đi chơi, liên hoan, ăn uống. Khi được hỏi có nhớ nhà không, N cười xoà “Em lớn rồi chứ phải con nít đâu. Sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhất, không tận hưởng các chương trình vui chơi với bạn bè, sau này lại hối tiếc”.

Còn H, ngay từ khi bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đi làm thêm để trang trải chi phí học tập. Buổi tối đi gia sư, cuối tuần H bưng bê phục vụ các bữa tiệc của nhà hàng. Nghỉ hè hơn một tháng, H cũng cố bám trụ lại Thủ đô với công việc shiper (chuyển hàng). “Về nhà chán lắm, không kiếm ra tiền, hằng ngày lại phải theo bố mẹ đi làm đồng nắng nóng vất vả. Em ở đây làm thêm vẫn đủ chi phí ăn ở, không phải xin bố mẹ. Sau này ra trường, em cố bám trụ lại thành phố, làm trái ngành cũng được” - H phân trần.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học có tiếng, T ra trường xin ngay được một công việc ổn định và có thu nhập khá. Guồng quay công việc khiến T bị cuốn theo; mỗi lần bố mẹ gọi điện hỏi thăm, nhắc về quê, T đều kiếm cớ bận. Cách nhà có 50 km mà có khi nửa năm T mới về một lần.

Câu chuyện của những bạn trẻ trên khiến tôi không khỏi băn khoăn. Tôi đã nghe trên đài một câu chuyện cảm động về người thanh niên có bố mắc bệnh ung thư chỉ còn sống được khoảng một năm. Khi mỗi giờ trôi qua, chàng trai lại thêm dằn vặt bởi gần 10 năm qua, cậu đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ về thăm bố được một lần. Và lúc này, cậu dành tất cả thời gian để ở bên bố. Cậu nhớ lại tất cả những gì mà bố mẹ đã dành cho mình từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi với đấng sinh thành. Câu chuyện kết thúc bằng câu hỏi thật đáng suy ngẫm: “Đời này ta sẽ còn gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa?”. 

Thực tế, không ít người đi làm xa mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Những người trẻ tuổi chúng ta với biết bao hoài bão, ước mơ; đôi khi bị cuốn theo guồng quay hối hả của xã hội mà quên mất gia đình. Họ chú tâm vun vén, xây dựng những mối quan hệ xã giao bên ngoài, mải miết tìm kiếm những cơ hội, tận hưởng quãng thời gian tuổi trẻ với bạn bè mà lãng quên người thân. Thời gian trôi đi, ông bà, bố mẹ ngày thêm già, quỹ thời gian còn bên cạnh chúng ta sẽ dần thu hẹp lại. Vì vậy, dù bận rộn tới đâu, chúng ta hãy nhớ mình còn có một gia đình để quan tâm, yêu thương, chăm sóc.

Hà Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...