Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cảnh báo tai nạn lao động
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ám ảnh tai nạn lao động từ góc nhìn bệnh viện

Cập nhật: 14:34 ngày 29/09/2017
(BGĐT) - Gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra do người dân bất cẩn khi vận hành máy phục vụ sản xuất không chỉ gây đau đớn cho nạn nhân mà còn để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người chứng kiến. Nhiều người đã phải trả giá bằng cả tính mạng, người may mắn sống sót phải mang thương tật suốt đời.
{keywords}

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nạn nhân Vũ Trí Tuấn, xã Xương Lâm (Lạng Giang) bị máy đùn gạch cuốn nát chân.

Bác sĩ kiêm "thợ cơ khí" bất đắc dĩ

Trong tháng 9, một TNLĐ xảy ra tại Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Ngọc Châu (Tân Yên) đã để lại di chứng nặng nề với chàng trai trẻ chưa lập gia đình Nguyễn Đức Tâm (SN 1989) ở thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu. Trong khi đang vận hành, chiếc máy đùn gạch bị ứ đất, theo phản xạ, Tâm lấy hết sức đè lên máy và bị cuốn ngang bụng, mắc kẹt trong máy. Nhiều công nhân chứng kiến tình huống này đều bàng hoàng nhưng không có cách nào đưa nạn nhân ra khỏi chiếc máy nặng hàng tạ. Hơn chục thanh niên xúm lại khiêng cả người và máy lên ô tô chở đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Khi nhập viện, bệnh nhân bị mất máu nặng, đa chấn thương nghiêm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp trực tiếp tham gia tháo máy để kịp thời phẫu thuật cho anh Tâm chia sẻ: “Trong tình huống khẩn cấp, lãnh đạo Bệnh viện đã phân công người truyền dịch, người tiêm thuốc chống sốc, cầm máu nhưng khẩn thiết hơn là ba bác sĩ đã trở thành thợ cơ khí bất đắc dĩ cầm cờ lê, mỏ lết, kìm… tháo rời từng chi tiết máy đang ngoạm chặt ổ bụng bệnh nhân”. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật. Sau 4 tiếng làm việc căng thẳng, kíp mổ đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Trong những tình huống khó khăn, ngoài kiến thức chuyên môn, các bác sĩ còn phải kiêm thêm việc tháo rời các chi tiết máy đang nghiến vào thân thể nạn nhân. Như khi cấp cứu nạn nhân Bùi Văn Tuyến, công nhân Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam (Lục Nam) bị quả lu của máy in cuốn nát bàn tay phải. Do bị cuốn sâu vào máy nên cả người và máy đều được đưa vào viện.

Khẩn cấp tiếp nhận những ca TNLĐ nghiêm trọng, không chỉ người thân của bệnh nhân mà các bác sĩ, điều dưỡng cũng lo lắng, căng thẳng không kém. Có ca cấp cứu trực tiếp Giám đốc Bệnh viện đưa bệnh nhân vào phòng mổ, huy động mọi biện pháp kỹ thuật để các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định. Đơn cử bệnh nhân Nguyễn Văn Cảnh (SN 1984), xã Tiên Hưng (Lục Nam) bị ngã giàn giáo trong lúc xây dựng công trình. Nạn nhân rơi từ độ cao khoảng 2m xuống đất và bị xà beng đâm từ hậu môn lên phổi trái. Khi nhập viện, thanh xà beng vẫn nằm trong người nạn nhân.

{keywords}

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tích cực cho bệnh nhân Nguyễn Văn Cảnh, xã Tiên Hưng (Lục Nam) bị xà beng đâm từ hậu môn lên phổi.

Nỗi đau còn mãi

Đau lòng hơn, TNLĐ thường xảy ra với những người trẻ tuổi, đang trong thời kỳ làm việc sung sức nhất. Nạn nhân là người tạo nguồn thu nhập chính, chỗ dựa cho vợ con bỗng chốc trở nên tàn phế. Có người đang ấp ủ bao khát vọng, ước mơ về tình yêu, hạnh phúc nay phải ngồi xe lăn suốt đời. Dù may mắn thoát chết nhưng thương tổn quá nặng nề và cú sốc tâm lý sẽ là vết thương lâu hồi phục nhất.

{keywords}

Để giảm thiểu TNLĐ, ngành lao động tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi nội dung, hình thức bồi dưỡng, tập huấn an toàn, vệ sinh lao động theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật lao động tại các đơn vị sử dụng lao động, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, ngăn ngừa sự cố và tai nạn".


Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB& XH

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa huấn luyện cho những lao động làm việc trực tiếp về an toàn lao động. Chính quyền địa phương chưa chú trọng giám sát việc thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất. Bản thân công nhân vi phạm quy trình, biện pháp bảo hộ lao động. Tai nạn họ gặp phải không đơn thuần là vì bất cẩn trong công việc mà còn do người bị nạn thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn lao động khiến các vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra. 

Anh Vũ Trí Tuấn (22 tuổi) ở xã Xương Lâm (Lạng Giang) bị máy làm gạch nghiền nát toàn bộ chân phải, phải tháo khớp háng từ tháng 6-2017 đến nay sức khỏe đã ổn định chia sẻ: “Vào công trường sản xuất nhưng tôi lại chủ quan không tìm hiểu quy trình an toàn lao động. Mặc dù tai nạn xảy ra đã mấy tháng nhưng tôi vẫn luôn day dứt, bất an, mặc cảm. Từ nay, tôi mất khả năng làm việc, không tự lập được trong sinh hoạt, đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Năm nào Bệnh viện cũng tiếp nhận những ca TNLĐ do nạn nhân vận hành máy móc không đúng quy trình. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 90 bệnh nhân bị tai nạn trong khi đang làm việc. Ca nhẹ thì mất một bàn tay hay bàn chân, nặng hơn mất cả hai tay, hai chân, nằm liệt, sống thực vật, thậm chí tử vong”. Với mức thương tật nghiêm trọng, nhiều người không thể tự chủ trong cuộc sống, phải nhờ cậy vào người thân từ sinh hoạt cá nhân đến nuôi sống bản thân.

Mặc dù được chủ sử dụng lao động đền bù kinh phí, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng nhưng chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ mà không thể nào chia sẻ được hết những đớn đau, thiệt thòi nạn nhân phải gánh chịu. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong việc chấp hành an toàn, vệ sinh lao động thì trên hết, bản thân mỗi người cần tự học hỏi, tìm hiểu kỹ lưỡng về công việc mình đang làm, tránh các yếu tố và nguy cơ rủi ro. Khi đã nắm rõ quy trình vận hành máy móc trong dây chuyền sản xuất, người lao động sẽ tự giác nâng cao ý thức bảo vệ mình thông qua trang bị bảo hộ, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...