Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ân tình phụ nữ vùng cao

Cập nhật: 09:20 ngày 24/10/2017
(BGĐT) - Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp hội phụ nữ trong huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã triển khai nhiều mô hình tiết kiệm thiết thực, hiệu quả, góp phần giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
{keywords}

Mô hình "Hũ gạo thiện tâm" của Hội LHPN xã An Lập.

Những mô hình điểm

Sáng 20-10, Chi hội Phụ nữ khu 3, thị trấn An Châu tổ chức “mổ” lợn đất của gia đình bà Hoàng Thị Sơn (SN 1968) dưới sự chứng kiến của nhiều hội viên. Sau gần một năm tiết kiệm, số tiền thu được từ nuôi lợn đất của gia đình bà Sơn là 27 triệu đồng. Ngay lập tức, số tiền trên được trao cho chị Nguyễn Thị Hiểu (SN 1975), hội viên Chi hội Phụ nữ khu 3. Chị Hiểu là phụ nữ đơn thân, bị tật nguyền từ nhỏ nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.

“Từ số tiền hỗ trợ, tôi dành một phần mua một chiếc xe đẩy. Phần còn lại sẽ sắm một số mặt hàng chuẩn bị bán dịp Tết. Hy vọng số tiền này sẽ giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”, chị Hiểu chia sẻ. Được biết, mô hình nuôi lợn tiết kiệm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn An Châu triển khai và duy trì gần 10 năm nay. Từ 8 "con" được nuôi thí điểm ở 8 chi hội, đến nay đã thu hút được hàng trăm hội viên tham gia với tổng “đàn lợn” lên đến 700 con. Từ nuôi lợn đất, Hội LHPN thị trấn đang cho 8 hội viên vay vốn với tổng số tiền 230 triệu đồng.

Tại các địa phương khác trong huyện, tùy đặc điểm địa bàn, Hội LHPN lựa chọn mô hình phù hợp.  Ở xã Bồng Am, từ năm 2005, Hội LHPN xã triển khai, duy trì mô hình tiết kiệm 5 nghìn đồng/hội viên/tháng. Theo đó, hằng tháng, hội viên tiết kiệm chi tiêu, thu gom phế liệu để tham gia mô hình. Do tính thiết thực, dễ làm, phong trào được đông đảo hội viên hưởng ứng.

Từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, hội đã cho 100 hộ gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Hay như tại xã An Lập, đầu năm nay, nhận thấy trên địa bàn có nhiều máy xay xát, Hội LHPN xã mạnh dạn triển khai mô hình “Hũ gạo thiện tâm”. Theo đó, Hội trích kinh phí mua 13 thùng nhựa đặt tại 13 điểm có máy xay xát trong xã; đồng thời vận động hội viên và nhân dân trong thôn hưởng ứng bằng việc ủng hộ một vài nắm gạo trong mỗi lần xay xát. Đến nay, sau gần một năm, mô hình đã thu về hơn 300 kg gạo.

Đồng hành với phụ nữ nghèo

5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã duy trì 61 mô hình, thành lập mới 84 mô hình tiết kiệm với hơn 4 nghìn hội viên tham gia. Qua đó tiết kiệm được gần 1,8 tỷ đồng, giúp 388 hội viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.

Theo chị Chu Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN huyện, học tập và làm theo gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, thu hút đông đảo phụ nữ trong huyện tham gia. Đặc biệt, học tập Bác, ý thức thực hành tiết kiệm của hội viên ngày càng nâng cao. Chị em tiết kiệm để tăng thu nhập gia đình và có điều kiện giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, 100% cơ sở hội xây dựng, phát huy hiệu quả các loại hình tiết kiệm nhỏ nhưng hiệu quả cao như: Hũ gạo, nuôi lợn đất, trồng rau sạch, ống tre tiết kiệm, tiết kiệm điện..., mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Nguồn kinh phí này dành để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình hội viên nghèo, trẻ em khó khăn...

Chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn huyện đã tiết kiệm, ủng hộ và trao sổ tiết kiệm trị giá 12 triệu đồng và 60 kg gạo cho hội viên nghèo khiếm thị tại thôn Bãi Chợ (xã Tuấn Đạo); một sổ tiết kiệm trị giá 2 triệu đồng và 30 kg gạo cho chị Nguyễn Thị Khuyên, hội viên nghèo thôn Đồng Phe (xã An Châu); tặng 6 con lợn giống cho 6 gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn tại xã Vĩnh Khương với tổng trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra có hơn chục hội viên được vay vốn từ những mô hình này.

Ghi nhận tại các địa phương trong huyện, từ tiết kiệm của các cấp Hội, nhiều hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Chị Hoàng Thị Nhất (SN 1975), trú tại thôn Am (xã Bồng Am) là một ví dụ. Năm 2008, gia đình chị được Hội LHPN xã cho vay 10 triệu từ Quỹ tiết kiệm 5 nghìn đồng. Từ số tiền này và tiết kiệm của gia đình, vay mượn người thân, chị đầu tư trồng rừng kinh tế. Sau gần 10 năm, không những hoàn trả tiền vay, gia đình chị đã vươn lên có kinh tế khá. Chị Vũ Thị Chuột (SN 1960), thôn Han 2 (xã An Lập) cũng được hội viên giúp đỡ bớt khó khăn. Thuộc hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, tháng 6 vừa qua, chị được Hội LHPN xã hỗ trợ 20 kg gạo.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã An Lập cho biết: “Hũ gạo thiện tâm” thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của hội viên và nhân dân trong xã. Từ số gạo tiết kiệm được, hơn 10 hội viên nghèo đã được giúp đỡ. Không chỉ tương trợ phụ nữ trong xã, chúng tôi còn ủng hộ gạo thường xuyên cho Hội Thiện tâm (thị trấn An Châu) để nấu cháo giúp đỡ bệnh nhân nghèo vào thứ 6 hằng tuần. Mới đây, Hội trao 100 kg gạo giúp đỡ hội viên phụ nữ xã Dương Hưu bị ảnh hưởng do mưa lũ. Những việc làm này tuy chưa lớn nhưng thể hiện tình cảm, sự sẻ chia để mỗi hội viên nghèo được tiếp thêm động lực”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...