Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ học nghề: Người thất nghiệp vẫn thờ ơ

Cập nhật: 08:55 ngày 03/11/2017
(BGĐT) - Giúp lao động mất việc có thêm kỹ năng để chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cuộc sống là mục đích hướng đến của chính sách hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm. Do nhiều nguyên nhân, rất ít người lao động (NLĐ) tham gia các khóa đào tạo.
{keywords}

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động.

Chỉ 3,1% người mất việc đăng ký học nghề

Vào đầu giờ sáng mỗi ngày, tại bộ phận tiếp nhận, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang) luôn có nhiều NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Đặng Thu Hương, cán bộ Phòng Đào tạo cho biết: “Bên cạnh việc hướng dẫn các thủ tục để hưởng trợ cấp mất việc, chúng tôi tìm hiểu nhu cầu và tư vấn chính sách hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới. Thế nhưng, khi được hỏi: “Có quan tâm đến học nghề hay không?” thì đa số NLĐ đều cười trừ hoặc lắc đầu”.

Được cán bộ Trung tâm giới thiệu tỉ mỉ mức hỗ trợ và các khóa học nghề nhưng chị Dương Thị Tiền (SN 1986), ở thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) không mấy mặn mà. Làm việc tại Công ty TNHH Unico Global VN (Yên Dũng) được hơn 5 năm thì chị xin nghỉ vì chồng bị tai nạn, con còn nhỏ. Đã thành thạo nghề may nên sắp tới, khi thu xếp ổn thỏa công việc gia đình, chị Tiền dự định tiếp tục xin vào một công ty gần nhà cũng sản xuất hàng may mặc. Chị chắc chắn thu nhập của mình cũng chẳng kém trước là mấy nên không đăng ký tham gia học nghề.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp cũ, anh Đỗ Văn Tạo (SN 1978), xã Hợp Đức (Tân Yên) đến Trung tâm DVVL tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp. Anh cho biết: "Điều tôi quan tâm nhất sau khi nghỉ việc là khoản tiền bù đắp để trang trải cuộc sống trong thời gian chờ tìm việc mới. Học nghề có thể giúp bổ sung kỹ năng, kiến thức, thêm cơ hội tìm việc làm. Song sau 6 tháng học nghề, liệu tôi có tìm được việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn hay không?".

Trước đây, Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định NLĐ thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tối đa 3 triệu đồng/khóa đến 3 tháng; 600 nghìn đồng/người/tháng cho khóa học hơn 3 tháng. Hiện nay, theo Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 thì mức hỗ trợ đã tăng lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, tham gia các khóa học nghề không quá 6 tháng, người học được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, theo thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 7,2 nghìn người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có 229 người đăng ký học nghề (chiếm tỷ lệ 3,1%).

Gắn đào tạo với kết nối tìm việc

Theo thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 7,2 nghìn người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ có 229 người đăng ký học nghề (chiếm tỷ lệ 3,1%).

Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho rằng: Đa số lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đơn vị là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%). Đời sống còn khó khăn nên tâm lý chung là khi bị mất việc làm, họ chỉ nghĩ tới sẽ nhận hỗ trợ bao nhiêu tiền để trang trải cuộc sống chứ rất ít người chọn học nghề.

Mặt khác, kinh phí hỗ trợ học nghề còn hạn chế, trong khi một số nghề mũi nhọn có thể giúp NLĐ chuyển đổi nghề dễ dàng, đáp ứng nhu cầu thị trường như: Điện tử, điện dân dụng, lái xe, sửa chữa ô tô, cơ khí, trình độ trung cấp, cao đẳng thì mức học phí rất cao. Nếu muốn nâng cao trình độ, kỹ năng thì họ phải bỏ thêm chi phí. Bởi vậy, đa phần lao động thất nghiệp không đủ khả năng tham gia.

Là đơn vị giải quyết chính sách, thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hiểu rõ hơn về việc hỗ trợ học nghề thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại các bàn tiếp đón. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tập trung tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Lạng Giang và Tân Yên. Qua đây, giúp lao động, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn tiếp cận thông tin, tham gia các khóa đào tạo nghề. Đồng thời chú trọng rà soát, dự báo thông tin thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả vai trò cầu nối giải quyết việc làm; chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín, đào tạo các nghề có đầu ra thuận lợi. Về phía NLĐ cần chủ động, mạnh dạn chuyển đổi nghề phù hợp để có cơ hội tìm được công việc ổn định, thu nhập cao.

Ngành lao động, thương binh và xã hội chủ động rà soát, quy hoạch hệ thống các trường nghề, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo; liên kết đào tạo theo địa chỉ để lao động có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học. “Tăng cường kết nối, nhằm tìm kiếm những doanh nghiệp cần lao động và cam kết tuyển dụng người sau đào tạo. Có như vậy, chắc chắn chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...