Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Sổ đỏ" ghi tên thành viên gia đình: Không áp dụng cho mọi trường hợp

Cập nhật: 19:37 ngày 23/11/2017
Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, những trường hợp tạo lập tài sản riêng của vợ và chồng, không phải Nhà nước giao đất không thu tiền cho các hộ gia đình, vẫn giữ nguyên quy định ghi tên vợ và tên chồng trên sổ đỏ, không phải ghi tên các thành viên trong cùng hộ khẩu.  
{keywords}
Ảnh minh họa.
{keywords}

- Thông tư 33 của Bộ TN&MT quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất. Cơ sở nào để quy định như vây, thưa ông?

- Đây là điểm mới trong quy định của Luật Đất đai nhằm đảm bảo quyền lợi cho từng cá nhân trong hộ gia đình nếu người đó có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Theo quy định, với những trường hợp Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình không thu tiền như giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cho các thành viên trong hộ gia đình thì đó là tài sản chung của hộ gia đình.

Khi cấp sổ đỏ theo quy định trước đây, chúng ta chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình trên sổ đỏ. Ví dụ như một gia đình có 4 người được giao đất sản xuất nông nghiệp, tức là cả 4 người đều có quyền sử dụng đất bình đẳng, nhưng trên sổ đỏ ngày trước chỉ ghi tên mỗi chủ hộ, còn những người khác không có tên. 

Việc này dẫn tới một thực tế là những người có quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao nhưng không được pháp luật công nhận có quyền trên sổ đỏ. Vì vậy, Luật Đất đai 2013 mới quy định thành viên nào trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất cũng đều được ghi tên trên sổ đỏ để bảo đảm quyền cho các thành viên.

- Nhiều người lo việc ghi tên đầy đủ các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong sổ đỏ sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, điều này có đúng, thưa ông?

- Việc chỉ ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ đối với hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất theo quy định cũ có vướng mắc và bất cập. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp khiếu nại xảy ra. Ví dụ như khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trên sổ đỏ trước đây chỉ ghi hộ ông (hoặc hộ bà) nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ có cả quyền sử dụng đất của con nhưng lại tự ý chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất của con cho doanh nghiệp.

Các cơ quan nhà nước, cơ quan công chứng cũng căn cứ vào tên trên sổ đỏ để làm thủ tục cho bố mẹ chuyển nhượng đất, nhưng sau đó mới phát sinh chuyện các con của những người này - những người được Nhà nước giao đất nông nghiệp - đòi lại quyền sử dụng đất của mình dẫn tới khiếu nại.

Thực tế không phải tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu đều là người có quyền sử dụng đất. Ví dụ trong gia đình có 4 người nhưng chỉ có một người là đối tượng được giao đất sản xuất nông nghiệp nên khi cấp sổ đỏ chỉ ghi tên người được giao đất, không ghi tên những người khác trong hộ gia đình.

- Vậy theo quy định mới, những trường hợp mua bán nhà đất sẽ được ghi sổ đỏ như thế nào?

- Đây là những trường hợp tạo lập tài sản riêng của vợ và chồng, không phải trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền cho các hộ gia đình, nên vẫn giữ nguyên quy định ghi tên vợ và tên chồng trên sổ đỏ, không phải ghi tên các con, kể cả các con trong cùng hộ khẩu. Nhiều người đang hiểu chưa chính xác. Việc ghi đầy đủ tên của những người trong gia đình không phải được áp dụng đối với tất cả trường hợp sử dụng đất.

- Việc ghi tên đầy đủ các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên sổ đỏ sẽ tăng thêm giấy tờ, thủ tục trong quá trình cấp sổ đỏ?

- Thông tư 33 có đưa ra hai phương án. Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình có thể cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là hộ ông (hộ bà). Việc ghi người đứng tên trên sổ đỏ là đại diện hộ gia đình nhằm ngăn ngừa trường hợp lợi dụng việc được ghi tên riêng trên sổ đỏ để tự ý chuyển nhượng, làm mất quyền lợi của các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất.

Phương án thứ hai, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đều muốn ghi tên trên sổ đỏ thì sẽ ghi tên tất cả. Tuy nhiên, với phương án này, Thông tư đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện để không phát sinh thủ tục. Ví dụ, nếu ghi tên 4 thành viên trong gia đình trên sổ đỏ thì không phải cả 4 người đều phải cùng đi làm thủ tục, mà chỉ cần một người đi mang theo giấy tờ của những người khác là được.

Theo Mai Anh/ANTĐ


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...