Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tầm soát dị tật, bảo đảm chất lượng dân số

Cập nhật: 09:04 ngày 25/12/2017
(BGĐT) - Sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh là mong muốn của các bậc cha mẹ. Với những thành tựu tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh (Sở Y tế) khuyến cáo, các bà mẹ mang thai hãy tham gia chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh để giảm gánh nặng bệnh tật cho con em mình.
{keywords}

Nhân viên y tế chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Ưu tiên sàng lọc bệnh tật thai kỳ

Nếu như trước đây, trong quá trình mang thai, các bà mẹ chỉ được thăm khám bằng các biện pháp đơn giản thì những năm gần đây, tiến bộ y học phát triển giúp bác sĩ sản khoa có thể chẩn đoán nhiều căn bệnh mà trẻ em sinh ra dễ mắc phải.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, hằng ngày tiếp nhận từ 100-120 lượt bà mẹ mang thai đến khám, trong đó chủ yếu khám tầm soát dị tật, kiểm tra sự phát triển của thai kỳ. Bác sĩ khám tổng thể thai kỳ để phát hiện các dị tật ống thần kinh, dị dạng tay chân, não úng thủy, thoát vị cơ hoành... Từ đó sẽ chỉ định can thiệp sớm, hạn chế tối đa các khiếm khuyết từ trong bụng mẹ để cho ra đời những em bé khỏe mạnh. Chị Nguyễn Thu Thảo, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Theo lời khuyên của bác sĩ, ở tuần 12 tôi đến khám, kiểm tra sự phát triển của thai nhi để được chỉ dẫn cách nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh. Được biết, ở tuần tuổi thai này, bác sĩ sẽ khám sàng lọc chỉ định siêu âm đo độ dày da gáy thai nhi để chẩn đoán hội chứng Down”.

Qua tìm hiểu, đối với chương trình sàng lọc trước sinh, hiện nay, khoa sản của các bệnh viện đang thực hiện hai phương pháp sàng lọc hình thái và sàng lọc sinh hóa. Bác sĩ sử dụng phương pháp siêu âm (máy 4D) có thể nhìn rõ các chi tiết của thai nhi để phát hiện một số dị tật. Với phương pháp sàng lọc sinh hóa, bệnh viện triển khai hai loại xét nghiệm. Tùy thuộc sản phụ đến khám ở tuần tuổi thai nào thì các bác sĩ sẽ tư vấn xét nghiệm phù hợp với tuần tuổi thai đó. Còn đối với chương trình sàng lọc sơ sinh, các bệnh viện chưa thực hiện thường xuyên do ít bệnh nhân yêu cầu.

Được biết, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh bằng các biện pháp khám định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai; xét nghiệm sau sinh trong vòng 48 giờ sẽ giúp các cặp vợ chồng biết chính xác từ 80-85% thai nhi; em  bé khỏe mạnh hay có vấn đề bất thường.

Cung ứng dịch vụ thuận lợi

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 25 nghìn trẻ em được sinh ra, trong đó ước tính có khoảng 1,2 - 1,5% em bé mắc các dị tật bẩm sinh. Do đó, việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, không chỉ ở bệnh viện chuyên khoa, các khoa sản của bệnh viện tuyến huyện cũng chủ yếu thực hiện chương trình khám sàng lọc trước sinh bằng phương pháp siêu âm hình thái để tầm soát dự phòng bệnh tật cho em bé; ít thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và thực hiện sàng lọc sau sinh. Chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng Dân số (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho biết: Phần lớn các bà mẹ mang thai, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng khó khăn mới tham gia sàng lọc ở mức thăm khám đơn giản. Toàn tỉnh có khoảng 75% phụ nữ mang thai thực hiện khám, siêu âm định kỳ và chỉ 5% phụ nữ mang thai tham gia sàng lọc sơ sinh”. Nguyên nhân do phương pháp siêu âm phổ biến, dễ thực hiện hơn. Trong khi, các bà mẹ mang thai chưa tìm hiểu cặn kẽ để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như lấy máu, nước tiểu, chọc ối... để tìm hiểu bệnh lý thai kỳ. Hơn nữa, nhiều bệnh viện chưa cung ứng được tổng thể trọn gói các dịch vụ sàng lọc bệnh tật thai nhi. Hiện chỉ một vài khoa sản của các bệnh viện thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy máu gót chân em bé trong 48 giờ sau khi sinh. Năm 2017, toàn tỉnh mới thực hiện sàng lọc sơ sinh cho hơn 1 nghìn trẻ.

Trước thực tế này, ngành y tế đặt mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và bệnh tật bẩm sinh ở trẻ em thông qua các biện pháp can thiệp và thực hiện dự phòng hiệu quả. Nhất là trong Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) năm 2017 được Bộ Y tế chọn chủ đề: “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số”. Để thực hiện hiệu quả, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; tuyên truyền vận động bà mẹ mang thai tích cực tham gia chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Năm 2018, các bệnh viện xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đào tạo bác sĩ chuyên khoa thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, thực hành xét nghiệm cận lâm sàng, sẵn sàng cung ứng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh phục vụ bà mẹ mang thai, trong đó ưu tiên cung cấp dịch vụ cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa, phụ nữ mang thai cần đi khám sàng lọc trước sinh ở ba thời điểm: Thai 12 tuần, 22 tuần xem xét hình thể thai nhi và ở tuần thứ 32 để thăm khám các dị tật khó phát hiện ở tim, não... Sau khi sinh em bé trong vòng 48 giờ, các bà mẹ hãy tham gia chương trình sàng lọc sơ sinh cho trẻ để xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (di truyền vàng da, dễ tử vong), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (gây rối loạn nhiễm sắc thể giới tính)...

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...