Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoa bất tử

Cập nhật: 22:17 ngày 23/04/2018
(BGĐT) - Trên tàu Superdong từ bến Trần Đề (Sóc Trăng) ra Côn Đảo, chúng tôi thấy biển như xanh hơn, lòng người nao nao nhớ tới những huyền thoại về Côn Sơn Anh hùng thuở nào. Đâu đây văng vẳng lời hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”…
{keywords}

Tái hiện hình ảnh địch tra tấn tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo.

Ra Côn Đảo làm gì? Nhiều người đặt câu hỏi khi chọn tuyến du lịch. Tiếng gọi tâm linh sẽ mách bảo. Ấp ủ mãi ý định, xuân này chúng tôi mới ra được hòn đảo linh thiêng mãi đọng tình yêu đất nước. Trong nỗi khát khao khi đặt chân lên đất Côn Đảo là viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, thăm nhà tù và những di tích còn lại sau hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Còn mãi những cánh hoa

Dành buổi chiều và một đêm thăm nhà tù Côn Đảo, viếng nghĩa trang Hàng Dương, qua đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi dâng hương đài tưởng niệm trung tâm, đến từng khu vực rồi len lỏi cố tìm tên hay dấu tích những người thân, những người cùng quê, những tên tuổi thân thuộc trong sách vở, qua những bài học mấy chục năm tích tụ bỗng ùa về. Và điểm hẹn trở lại là lúc nửa đêm.

Không chỉ là ngày trước rằm, mồng Một âm lịch hằng tháng mà giờ đây ngày nào cũng thế, đêm về là rậm rịch bước chân người trần thăm viếng mảnh đất thiêng này. Từng bó hương trầm chia ra cắm mỗi ngôi mộ. Nghi ngút hương thơm, ào ạt sóng gió Côn Sơn trên hàng dương vi vút như các bác, các anh, các chị đang trở về.

O giờ. Lúc âm dương giao hòa, trời đất chuyển mình, hàng trăm người mang hương hoa lễ vật vào nghĩa trang Hàng Dương lần nữa viếng anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Sắm lễ, những người làm dịch vụ đã hướng dẫn mua những bộ áo quần bộ đội, vật dụng và cả tiền vàng cho các Anh hùng liệt sĩ nhưng với chị Sáu thì phải là những đóa hoa trắng, là gương lược… Tôi nhẩm tính, giờ nếu còn chị đã ở tuổi 85, đã qua 66 năm chị nằm lại đất này nhưng trong tâm thức mọi người, chị mới đang tuổi thanh xuân đẹp nhất. 

Trong khi cả đài hương giữa nghĩa trang rực cháy, mọi người đứng quanh mộ chị Võ Thị Sáu cùng đồng thanh lời ca trầm hùng: “Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền Đất Đỏ, sông núi vẫn nhắc tên người anh hùng…”. Mặc dù tôi đã qua quê chị Đất Đỏ - Long Hải mấy lần nhưng sao tiếng hát giữa muôn trùng khơi nơi đây lại gần gũi như ở nhà? Thật khó lý giải. Mãi mãi tuổi thanh xuân hiên ngang, yêu đời và linh thiêng trong mỗi người Việt Nam, lại là nỗi khiếp đảm của kẻ thù (sau này, nhiều giám thị, cai ngục và binh lính lập bàn thờ riêng tại nhà thờ cô Sáu là vì thế).

{keywords}

Viếng mộ chị Võ Thị Sáu.

Bạo tàn chuồng cọp giữ chân ai?

Mãi sau này, chị Nguyễn Thị Tâm (bà Trương Mỹ Hoa- nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) mới có dịp kể lại cho mọi người cùng hiểu biết về cái phòng giam số 13, khu 4 trong nhà tù Côn Đảo.

Phòng giam rộng chừng hơn hai mét, 5 người phụ nữ với một cháu bé bị nhốt chung nghiệt ngã đến cùng cực. Vôi bột rải xuống đầy người phạm nhân rồi những kẻ bán nước làm tay sai cho địch từ trên dội nước xuống cộng với roi vọt đánh đập, khủng bố dã man cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng những nữ tù nhân không lung lay tinh thần mà trái lại, niềm tin chiến thắng, niềm tin vào sức mạnh của Đảng, của nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ sẽ chiến thắng.

Tuy rất trẻ (19 tuổi) được tổ chức bố trí hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên, chị Anh Thư - Nguyễn Thị Tâm (chị Y trong “Sống như Anh”- Trần Đình Vân) đã có kinh nghiệm đấu tranh từ khám Chí Hòa, những bài học như sách giáo khoa đấu tranh chính trị tiếp tục được truyền lại tại trại giam Côn Đảo. Chị phổ biến những kinh nghiệm đấu tranh. Đọc cho nhau những bài thơ của Tố Hữu như “Từ ấy”, “Việt Bắc” hay Phan Châu Trinh “Đập đá ở Côn Lôn”… truyền đi trong các phòng lao để luyện chí, rèn bản lĩnh chiến đấu. Các chị đã phản đối đến cùng nhắm mắt, há mồm ngăn chụp ảnh, mài ngón tay tứa máu cho mòn hết vân tay làm cho kẻ địch không thể lấy dấu… 

Sau Hiệp định Paris, kẻ địch bưng bít thông tin, biệt lập tù chính trị Côn Đảo nhưng trước sự hiệp sức tranh đấu bằng cả ý chí và dư luận quốc tế, kẻ địch đã phải trao trả tự do cho các chị trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4-1975. Nhiều người trong số các chị bị đòn nhục hình không thể làm mẹ nhưng thế hệ trẻ hôm nay luôn biết ơn, tri ân công lao, sự hy sinh cống hiến của các mẹ, các chị. Điều đó cũng làm nguôi đi nỗi ám ảnh, xót thương của người đi trước trong cuộc sống hôm nay.

Tạm biệt Côn Đảo tâm linh trên chuyến tàu vượt biển mà bao cha chú xưa kia ước ao vượt ngục, chúng tôi thấm thía cái giá phải trả cho cuộc sống một ngày bình yên, một ngày hạnh phúc hôm nay.

Cảnh Mạnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...