Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảm tai nạn lao động: Nêu cao trách nhiệm ba bên

Cập nhật: 22:06 ngày 23/04/2018
(BGĐT) - Làm việc trong các doanh nghiệp, người lao động thường xuyên phải vận hành máy móc, thiết bị công nghiệp trong môi trường có tiếng ồn lớn, có khi ô nhiễm... làm gia tăng nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp nếu công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không được coi trọng đúng mức. Nhân Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về chủ đề này.
{keywords}

Công nhân Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu - Việt Yên) chấp hành nghiêm quy định về an toàn lao động.

Ông đánh giá như thế nào về sự chuyển biến trong lĩnh vực ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh cũng như sự hưởng ứng thực hiện của các doanh nghiệp, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động và nhân dân đã được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ của cấp huyện, cấp xã và cán bộ làm công tác quản lý về ATVSLĐ tại các DN được duy trì thường xuyên. Nhờ vậy, nhận thức về công tác ATVSLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ, chính quyền địa phương được nâng lên. Việc cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe NLĐ, quản lý các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động tại các DN đã có chuyển biến tích cực và số vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH nhìn nhận còn những hạn chế gì trong công tác này?

{keywords}

Ông Nguyễn Thế Dũng.

Đánh giá tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ của các DN, thời gian qua vẫn còn gần 30% doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về kỹ thuật ATVSLĐ cho người lao động. Tỷ lệ DN chưa thực hiện đầy đủ quy định khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn cao (trên 25%). Vẫn còn nhiều DN nhỏ và vừa chưa bố trí được cán bộ bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ hoặc có bố trí nhưng trình độ chuyên môn không phù hợp, không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, chưa định kỳ đánh giá môi trường làm việc, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện việc bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động theo đúng quy định. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ của một số UBND xã, phường, thị trấn hạn chế, do đó còn những vụ tai nạn lao động xảy ra ở khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động chưa được cấp xã tổng hợp, báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng phối hợp, điều tra xác định nguyên nhân để tuyên truyền, cảnh báo theo quy định của Luật ATVSLĐ.

Xin ông cho biết giải pháp giảm các vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tật suốt đời?

Để hạn chế TNLĐ thì cần có sự tham gia, phối hợp thực hiện từ ba bên, gồm: Người sử dụng lao động, NLĐ và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được quy định trong Luật ATVSLĐ và các văn bản liên quan. Đối với NLĐ, phải nắm chắc quy trình làm việc an toàn, quy trình xử lý sự cố khi làm việc với các loại máy, thiết bị; thực hiện nghiêm túc nội quy lao động và sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn phải thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ và DN thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát việc thực hiện tại DN; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Luật ATVSLĐ đã có quy định rất rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của cả 2 phía, NLĐ và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ; do vậy trong quan hệ lao động và trong quá trình lao động sản xuất, người sử dụng lao động, NLĐ và tổ chức công đoàn cần tích cực phối hợp và cùng giám sát việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, tránh gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của NLĐ và tài sản của DN.

Ngoài ra, để các quy định của pháp luật được đảm bảo thực hiện nghiêm túc, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quy định cụ thể các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ của cả người sử dụng lao động và NLĐ.

Công tác huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ cho NLĐ cần được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả thưa ông?

Chính phủ đã cụ thể hóa quy định về việc huấn luyện ATVSLĐ theo quy định của Luật ATVSLĐ tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016. Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện cho NLĐ được chia thành 6 nhóm đối tượng về ATVSLĐ; việc huấn luyện phải bảo đảm đầy đủ về thời gian, nội dung (cả lý thuyết và thực hành) đúng chương trình khung huấn luyện theo quy định của pháp luật; DN chỉ được thuê các đơn vị dịch vụ huấn luyện được Bộ LĐTBXH cấp phép hoạt động hoặc được Sở LĐTBXH thẩm định, cho phép doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện mới đủ điều kiện tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động.

Xin cảm ơn ông!

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Crystal Martin Thân Văn Kiên:

Tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người lao động

{keywords}

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng, Công ty chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy cắt, may, hấp, sấy... hiện đại. Điều này đòi hỏi phải bảo đảm an toàn trong sản xuất, trong đó ý thức chấp hành kỷ luật của công nhân là quan trọng nhất. Chỉ một phút lơ là, sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn. Với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, công đoàn cơ sở chủ động tham mưu với lãnh đạo Công ty xây dựng kế hoạch tập huấn, tổ chức tuyên truyền đến từng công nhân. Do phần lớn lao động trình độ phổ thông nên thời gian đầu mới vào làm, mọi người hay quên đội mũ để bó gọn tóc, quần áo chưa gọn gàng; công nhân bộ phận cắt vải không sử dụng găng tay sắt ... Để khắc phục tình trạng đó, trước khi ký hợp đồng, Công ty tổ chức phổ biến kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người lao động. Đặc biệt, ở mỗi tổ sản xuất đều có một an toàn vệ sinh viên thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc công nhân sử dụng đồ bảo hộ, vận hành máy móc, thiết bị bảo đảm đúng quy trình, đề phòng và xử lý kịp thời những yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra.

Công nhân Lê Thị Tăng, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Dương (Tân Yên):

Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động

{keywords}

Trực tiếp sản xuất tại tổ ra lò của nhà máy sản xuất gạch nên công việc của tôi và nhiều chị em khá vất vả, nhất là khi thời tiết oi nóng. Dù được doanh nghiệp quan tâm trang bị nhưng do nhận thức chưa đầy đủ nên trước đây, nhiều công nhân chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm việc sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Thực tế, cũng đã từng có những trường hợp gặp tai nạn nhẹ do không sử dụng đồ bảo vệ. Đến nay, tổ chức công đoàn vận động, tuyên truyền nên hầu hết chúng tôi đều có ý thức chấp hành. Để hạn chế tối đa vi phạm, trước khi bắt đầu ca làm việc, ở mỗi tổ, dây chuyền sản xuất, các tổ trưởng kiểm tra, nhắc nhở người lao động sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ. Công nhân vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, nếu tiếp tục tái diễn thì tùy theo mức độ đều bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các bài tuyên truyền về bảo đảm an toàn lao động còn thường xuyên được phát trên loa truyền thanh nội bộ để chúng tôi nâng cao ý thức chấp hành.

Nhóm PV

Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...