Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chỉ số cải cách hành chính của Bắc Giang năm 2017: Tăng điểm, giữ nguyên thứ hạng

Cập nhật: 18:53 ngày 02/05/2018
(BGĐT) - Ngày 2-5, Bộ Nội vụ tổ chức công bố kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017. Bắc Giang tiếp tục giữ vị trí thứ 13/63 tỉnh, TP, nằm trong tốp 16 địa phương đứng đầu cả nước. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ. 
{keywords}

Ông Nguyễn Văn Nghĩa

Tin liên quan {keywords}

Đây là năm thứ hai liên tiếp Bắc Giang giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Xin ông cho biết những tiêu chí nổi bật, được đánh giá tốt?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: PAR INDEX là cơ sở để các bộ, ngành, tỉnh, TP nhìn nhận cụ thể, xác định điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC ở ngành, địa phương mình. PAR INDEX được đánh giá trên 8 lĩnh vực gồm: Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới cơ chế tài chính, hiện đại hóa hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Kết quả công bố lần này, Bắc Giang đạt 82,74/100 điểm, tăng hơn 2 điểm so với năm 2016. Cụ thể: Điểm đánh giá đạt 54,23 còn điểm điều tra xã hội học là 28,51. 

Trong 8 lĩnh vực có 2 lĩnh vực đạt điểm tuyệt đối là: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (5/5 điểm trong phần tự đánh giá); lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh (15,5/15,5 điểm). Riêng công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được đánh giá là một trong 3 tỉnh, TP làm tốt nhất trong cả nước với 9,5/10 điểm. 

Để giữ được vị trí ổn định trên bảng xếp hạng, nhất là nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tỉnh đã có những biện pháp chỉ đạo như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?  

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Bắc Giang là một trong số 5 tỉnh, TP triển khai công tác CCHC sớm nhất cả nước nên có sẵn nền tảng và kinh nghiệm. Ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2016, Sở Nội vụ đã tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chỉ số này. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Hành chính công; nâng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng, trước hạn và cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Hằng năm, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện với những giải pháp cụ thể; tổ chức các đợt kiểm tra, kịp thời chỉ rõ những hạn chế để cơ sở khắc phục. Đưa kết quả CCHC tại đơn vị, sở, địa phương vào đánh giá, nhận xét người đứng đầu hằng năm.  

Đề nghị ông cho biết những tiêu chí nào đạt điểm thấp, cần khắc phục ? 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Bên cạnh những tiêu chí đạt điểm cao vẫn còn một số tiêu chí có điểm trừ như: Tỷ lệ đơn vị hành chính cấp xã công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 còn thấp, mới có 3/230 xã, phường, thị trấn thực hiện. Tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích đạt dưới 50%; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế...

{keywords}

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. 

Bắc Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trong khi tỉnh đang nỗ lực thu hút đầu tư. Để hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, cũng như tiếp tục cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông? 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ quan trọng nên thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa các tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm cao. Cùng đó tập trung cải thiện những tiêu chí đạt thấp. Trong đó phấn đấu hoàn thành việc kết nối các phần mềm điện tử để giải quyết thủ tục hành chính ở 4 cấp trên môi trường mạng và khung kiến trúc hạ tầng điện tử. 

Hoàn thiện cổng thông tin điện tử của tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi truy cập, tra cứu thông tin về TTHC. Tập trung tuyên truyền người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Bởi khi người dân, doanh nghiệp trở thành những công dân điện tử thì mới tránh được tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tăng sự hài lòng đối với các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. 

Bên cạnh đó còn thường xuyên rà soát các TTHC; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và loại bỏ những văn bản không phù hợp, cắt giảm thời gian giải quyết một số TTHC; nghiên cứu sửa đổi quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phân cấp quản lý nhiều hơn cho các sở, huyện và đơn vị sự nghiệp.

Cảm ơn ông!

Hoài Thu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...