Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tạo việc làm bền vững, ổn định đời sống người lao động

Cập nhật: 08:54 ngày 15/05/2018
(BGĐT) - Thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây đạt kết quả cao tạo ra cơ hội lớn về việc làm. Tuy nhiên, tình trạng không ít doanh nghiệp (DN) vi phạm chính sách, pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của người lao động (NLĐ).
{keywords}

Giờ tan ca của công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang (thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải), KCN Đình Trám (Việt Yên). Ảnh: Đỗ Quyên.

Mỗi năm có thêm 26 nghìn lao động làm việc trong DN

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có 3.209 DN đang hoạt động. Từ nay đến năm 2020, dự báo số lượng lao động làm việc tại các DN tiếp tục tăng nhanh, bình quân khoảng 26 nghìn người mỗi năm. Riêng năm 2018, theo kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động của Sở LĐTBXH, số lao động làm việc tại các DN là 210 nghìn người (tăng 26 nghìn người so với năm 2017), trong đó có khoảng 90 nghìn người làm việc tại các KCN (tăng 18,6 nghìn người so với năm trước).

Nhiều DN quan tâm chăm lo nguồn lực lao động và có chế độ đãi ngộ tốt như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang, Công ty TNHH FuHong Precision Component Bắc Giang. Có khoảng 36 nghìn lao động đang làm việc tại các DN này với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Theo Phòng Tiền lương - BHXH (Sở LĐTBXH), lương bình quân của NLĐ trong DN năm 2017 ở mức hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,74% so với năm 2016. Kết quả công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh năm 2017 đứng thứ 8 về số dự án, thứ 11/63 tỉnh, TP về số vốn đăng ký từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); các tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt cao, mở ra cơ hội lớn về việc làm cho NLĐ.

Quyền lợi của NLĐ còn bị vi phạm

Chỉ riêng hơn 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngừng việc tập thể tại các DN FDI, bằng 2/3 tổng số vụ cả năm trước (năm 2017, cả tỉnh xảy ra 13 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, trong đó có 12 vụ xảy ra tại các DN FDI). Riêng một tháng qua đã xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể của khoảng 1,8 nghìn công nhân ở 4 DN FDI. Nguyên nhân chủ yếu là do nợ lương, chậm lương, nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chậm thanh toán các quyền lợi của NLĐ (chế độ thai sản, dưỡng sức...); tăng ca nhiều giờ, bữa ăn ca chất lượng thấp, không bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công nhân (hạn chế đi vệ sinh, không bật quạt khi trời nắng nóng); có biểu hiện sa thải NLĐ lớn tuổi.

Ngừng việc tập thể chứng tỏ ý thức bảo vệ quyền lợi của NLĐ đã được nâng cao, tạo áp lực buộc DN phải quan tâm giải quyết những đòi hỏi chính đáng, chấp hành đúng chính sách, pháp luật về lao động. Nhưng mặt khác cho thấy thực trạng vi phạm pháp luật về lao động của DN còn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống trước mắt của NLĐ và an sinh xã hội lâu dài; tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội; gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Trong hơn 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 893 DN nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền gần 123 tỷ đồng. Các DN có số nợ lớn, kéo dài khó có khả năng đóng như: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí và Hóa chất Hà Bắc hơn 7,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam hơn 6,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam hơn 7,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang 3,1 tỷ đồng... Trong số này, Công TNHH Fine Land Apparel Việt Nam từng bị xử phạt vì nợ BHXH của NLĐ; Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh vi phạm. Theo báo cáo của Tổ công tác về lao động và BHXH do Sở LĐTBXH chủ trì, đến hết tháng 12-2017, cả tỉnh chỉ có 490/3.209 DN đang hoạt động gửi báo cáo kết quả thực hiện pháp luật lao động tới cơ quan chức năng.

Tăng cường quản lý nhà nước

Kết quả chấm điểm phân loại mức độ chấp hành pháp luật lao động của 490 DN gửi báo cáo, có 210 DN mức độ tốt (42,86%), 183 DN mức độ trung bình (37,35%) và 97 DN mức độ kém (19,8%). Đối với các DN không gửi báo cáo, UBND các huyện và TP đã chấm điểm dựa trên thông tin dữ liệu quản lý việc chấp hành pháp luật lao động đối với 2.183 DN. Trong đó chỉ có 12 DN đạt mức độ tốt, 155 DN trung bình, 2.016 DN mức độ kém.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý việc chấp hành pháp luật lao động và tập trung đôn đốc, hướng dẫn các DN khắc phục những tồn tại, vi phạm. Định kỳ và đột xuất, UBND tỉnh tổ chức các hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt các biện pháp quản lý nhà nước nhằm giảm nợ BHXH của các DN; yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra. Nhiều DN vi phạm đã bị xử phạt theo quy định. Năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh và huyện đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 200 DN; xử phạt 28 DN với số tiền gần 1 tỷ đồng; yêu cầu truy đóng BHXH, thu hồi về quỹ BHXH hơn 11 tỷ đồng; kiến nghị 60 DN khắc phục 417 tồn tại, hạn chế.

Qua kiểm tra, rà soát, ngoài một số DN có biểu hiện chây ỳ, cố tình vi phạm thì nhiều DN nợ, chậm giải quyết các chế độ, quyền lợi của NLĐ là do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế này cho thấy sự tăng trưởng về việc làm chưa đi đôi với bảo đảm quyền lợi chính đáng, bền vững của NLĐ; nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bản thân và gia đình. Thu nhập của NLĐ mới chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản hằng ngày, ít có tích lũy để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được biết, trong kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, BHXH đối với các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh tiếp tục thành lập tổ công tác cấp tỉnh, cấp huyện và của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn DN thực hiện pháp luật lao động; rà soát, nắm bắt thông tin, cập nhật dữ liệu quản lý việc chấp hành một số quy định cơ bản của pháp luật lao động tại các DN; phân loại mức độ chấp hành, thông báo và đôn đốc DN khắc phục tồn tại, vi phạm; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các DN cố tình không khắc phục vi phạm. Cùng với nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để bảo đảm DN chấp hành đúng pháp luật về lao động, tỉnh nhất quán phương châm thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư để có nhiều DN mạnh về tiềm lực, hoạt động hiệu quả, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng môi trường làm việc văn minh, lành mạnh, quan hệ hài hòa, thực sự có trách nhiệm giữa chủ DN với NLĐ.

Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...