Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em: Gia đình, xã hội cùng chung trách nhiệm

Cập nhật: 09:56 ngày 21/05/2018
(BGĐT) - Nhiều vụ đuối nước tiếp tục xảy ra thời gian gần đây khiến không ít phụ huynh lo ngại bởi môi trường sống tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi các em thiếu sân chơi an toàn, thiếu kỹ năng bơi lội, chưa biết cách tự bảo vệ bản thân.
{keywords}

Dạy bơi cho học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Trường Sơn (Lục Nam).

Nỗi đau chưa dừng lại

Có lẽ chưa năm nào trên địa bàn tỉnh lại xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước như năm 2017. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số vụ tăng đột biến với 50 vụ, làm 68 trẻ em tử vong. Nhiều trường hợp chết hai, ba trẻ trong một gia đình hoặc ở cùng một thôn, xóm. Trước tình hình đó, cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ yêu cầu UBND các huyện, TP ban hành kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ em.

Thế nhưng, nỗi đau do tai nạn đuối nước vẫn chưa dừng lại, 5 tháng đầu năm nay có ít nhất 5 vụ với 11 người tử vong, trong đó có 8 trẻ em. Một tuần của tháng 2-2018, tại huyện Hiệp Hòa xảy ra 2 vụ đuối nước làm 5 người thương vong, trong đó có 3 trẻ em. Huyện Lục Ngạn từ đầu năm đến nay xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước, mất đi 4 người. Huyện Lạng Giang 1 vụ làm 2 trẻ cùng xã Mỹ Thái tử vong.

Ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói: “Thật là xót xa, đau lòng khi chúng tôi chứng kiến cảnh cha mẹ mất con thơ chỉ trong chốc lát vì đuối nước. Nhưng khách quan nhìn nhận có thể nhận thấy sự vào cuộc nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn đuối nước của người đứng đầu một số địa phương cấp huyện, xã vẫn chưa rốt ráo trong khi môi trường sống có nhiều ao, hồ, sông, suối, thùng, vũng, hố công trình xây dựng không có rào chắn, biển báo; trẻ em hiếu động, thiếu sân chơi cũng như kỹ năng phòng tránh, xử lý tình huống nguy hiểm”.

Quyết tâm đẩy lùi nguy cơ

{keywords}

Việc dạy, học bơi sẽ phát huy hiệu quả khi lãnh đạo các huyện, TP quan tâm chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đầu tư. Phòng sẽ tham mưu với Sở đưa bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường”.


Ông Hoàng Công Học, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo)

Với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ đuối nước, nhiều địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức dạy kỹ năng bơi lội, phòng tránh tai nạn thương tích do đuối nước gây ra cho trẻ em. Đơn cử tại huyện Lục Nam đã xây dựng được 38 bể bơi thông minh trong trường (đạt 100% các trường tiểu học toàn huyện) và 5 bể bơi tư nhân đang hoạt động tại các xã: Cẩm Lý, Trường Sơn, Vô Tranh, Bình Sơn, thị trấn Đồi Ngô... Đây là địa phương đầu tiên xây dựng Đề án phổ cập dạy bơi cho học sinh. Kinh nghiệm từ địa phương này cho thấy, để đạt kết quả trên cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.

Năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND huyện Lục Nam xây dựng Đề án chỉ rõ sự cần thiết của việc dạy bơi và huy động nguồn lực đầu tư. UBND huyện quyết định trích ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại vận động chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh, doanh nghiệp ủng hộ.

Tại mỗi địa phương lại có những cách làm riêng để chung tay đẩy lùi tai nạn đuối nước ở trẻ em. Qua khảo sát một số địa điểm như: Bến bãi, ao, hồ trên địa bàn, nhận thấy khu vực này thiếu an toàn khi không có biển cảnh báo nguy hiểm, mới đây, Đoàn Thanh niên xã Tự Lạn (Việt Yên) đã tổ chức ra quân lắp 25 biển cảnh báo nguy cơ đuối nước nhằm khuyến cáo người dân. Các biển báo được làm bằng kim loại, kích thước 40cm x 60cm; cao 1,2m. Bề mặt sơn màu xanh, in nội dung cảnh báo.

Không chỉ vậy, các đoàn viên thanh niên trong xã còn tuyên truyền cho thanh thiếu nhi nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng tránh tai nạn thương tích. Hay như tổ liên gia số 1, thôn Trung Phụ Ngoài, xã Tân Hưng (Lạng Giang) có vị trí địa lý nằm dọc bờ kênh. Từ nhiều năm nay, bờ kênh này không có lan can bảo vệ, tiềm ẩn rủi ro. Vừa qua, các hộ dân trong tổ đóng góp hơn 60 triệu đồng mua vật liệu lắp gần 500m lan can sắt, đèn chiếu sáng tại bờ kênh nhằm tạo nơi vui chơi an toàn cho trẻ em trong khu vực...

Từ thực tế cho thấy để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 09 của UBND tỉnh, các phụ huynh cần quan tâm hơn tới việc tạo môi trường an toàn cho trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng Chủ tịch UBND huyện, TP, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra đuối nước nghiêm trọng.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...