Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng: Nơi gắn kết yêu thương

Cập nhật: 16:37 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Từ chỗ mỗi huyện, TP thành lập điểm một "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", đến nay 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được mô hình với hàng nghìn thành viên tham gia. Sau 5 năm duy trì hoạt động, các mô hình đã tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho hơn 300 nạn nhân bị bạo lực. 
{keywords}

Các thành viên mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" xã Đào Mỹ (Lạng Giang) trao đổi, tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới.

Kinh tế gia đình chị Đinh Thị C, thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) khá khó khăn song chồng chị không tu chí làm ăn lại còn ham cờ bạc. Sau mỗi lần thua bạc, về nhà anh lại chửi mắng, thậm chí đánh đập vợ. Hơn một năm trước, cực chẳng đã, chị có ý định ly hôn. Nắm được tình hình, mỗi lần bị bạo hành, các thành viên trong "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" phân công người trực tiếp lựa lời tìm hiểu nguyên nhân, chia sẻ điều hay, lẽ phải. Sau nhiều lần kiên trì hòa giải, chị C nhận thấy bản thân còn nóng vội, thiếu nhẹ nhàng trong ứng xử, chồng chị cũng tự nhận ra sai lầm bấy lâu, xin lỗi vợ và hứa sửa chữa. 

"Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" do các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thành lập và duy trì hoạt động, đặt trụ sở tại UBND xã, phường, thị trấn hoặc phòng làm việc của Hội phụ nữ, nhà văn hóa thôn, khu phố, hộ gia đình. Tại một số nơi còn trang bị giường, vật dụng y tế và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu để hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết.

Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị B, thôn Chằm, xã Tiên Hưng (Lục Nam) cũng từng nhiều lần bị chồng đánh bầm tím mặt mày nhưng không dám kể với ai vì xấu hổ. Tình cờ một lần người hàng xóm phát hiện chị bị chồng đánh liền thông tin với thành viên của Địa chỉ tin cậy. Lúc đầu, chị cũng e ngại và muốn giấu kín mọi chuyện nhưng với sự nhiệt tình, sẵn sàng sẻ chia của các chị em, chị B đã tin tưởng và kể lại việc bị bạo hành. Sau khi tìm hiểu rõ mâu thuẫn, các thành viên trong địa chỉ tin cậy đã phối hợp với tổ dân cư nơi vợ chồng chị sinh sống để hòa giải. Ban đầu, người chồng không nghe và tỏ thái độ bất hợp tác, chị em vẫn kiên trì phân tích những hành động sai trái, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình để chồng chị nhận ra và thay đổi. Dần dà, anh không còn ghen tuông vô cớ và đánh chị như trước. 

Đó là hai trong số nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình được giải quyết hiệu quả thông qua địa chỉ tin cậy do Hội LHPN tỉnh triển khai từ năm 2013. 

Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả, không ít chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, hòa thuận. Bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Mục đích hoạt động của các mô hình là tư vấn về bình đẳng giới, giải quyết mâu thuẫn bạo lực gia đình, đồng thời trợ giúp tạm lánh cho phụ nữ yếu thế, nạn nhân bị buôn bán trở về. 

Các mô hình đều có Ban chủ nhiệm hoặc Ban điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Trong đó chủ yếu là đại diện các đoàn thể chính trị - xã hội, văn hóa, công an xã, tư pháp, chi hội trưởng phụ nữ ở các thôn, tổ dân phố. Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn về Luật phòng, chống bạo lực, Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới; bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận và tư vấn cho nạn nhân khi bị bạo lực gia đình... 

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Nhị, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Phú (Lục Nam), quá trình triển khai, các địa phương đều gặp khó khăn chung như nhiều chị em bị bạo hành gia đình còn e ngại, chưa thực sự tin tưởng vào mô hình này nên số người tìm đến nhờ can thiệp, hỗ trợ còn ít. Để phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội thường xuyên rà soát, củng cố các địa chỉ tin cậy hiện có. Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình công tác hội để tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về hòa giải, tư vấn, hỗ trợ.

Vân Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...