Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoạt động dã ngoại, trải nghiệm: Cần kỹ năng để bảo đảm an toàn

Cập nhật: 18:30 ngày 26/05/2018
(BGĐT)- Hoạt động dã ngoại, trải nghiệm giúp học sinh hình thành, phát triển kỹ năng ứng xử, biết bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm, phức tạp. Tại Bắc Giang, nhiều năm nay, các cơ sở giáo dục đã quan tâm tổ chức hoạt động này. Tuy nhiên bên cạnh những trường làm tốt vẫn có nơi tổ chức hoạt động hình thức, chưa đáp ứng tiêu chí an toàn, hiệu quả cho người học.  
Rủi ro tiềm ẩn

Sau những tiết học vất vả, căng thẳng, nhiều trường học tổ chức “tua” du lịch trải nghiệm, rèn kỹ năng sống dành cho học sinh. Tùy theo điều kiện từng đơn vị, địa điểm tổ chức có thể tại các điểm di tích, thắng cảnh ở trong hoặc ngoài tỉnh. Đến vùng đất mới, các em có cơ hội tìm hiểu, khám phá cuộc sống xung quanh nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn, nếu người trong cuộc thiếu kỹ năng phòng tránh. 

Ngày 20-5, em Thân Văn Phúc, ở thị trấn Nếnh (Việt Yên), học sinh lớp 11 A3, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tử vong do đuối nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động). Được biết, Phúc cùng 30 thầy cô giáo, học sinh tham gia chương trình trải nghiệm thực tế. Quá trình vui chơi tại đây, em cùng một nhóm bạn đến tắm ở Vũng Tròn thuộc xã An Lạc rồi không may bị đuối nước. Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng giải quyết sự việc, đồng thời đến gia đình thăm hỏi, động viên, chia sẻ trách nhiệm trước nỗi đau này. 

{keywords}

Hiện trường vụ đuối nước tại Vũng Tròn, xã An Lạc (Sơn Động).

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, chương trình dã ngoại nằm trong kế hoạch hoạt động năm học 2017-2018. Trước chuyến đi, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp điện thoại liên hệ và được gia đình đồng ý cho con em mình tham gia. Tuy vậy, trường chưa báo cáo kế hoạch này với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tai nạn xảy ra là mất mát lớn với gia đình, là bài học với nhà trường trong công tác tổ chức hoạt động trải nghiệm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

Mới đây, trong dịp trường mầm non tổ chức hoạt động trải nghiệm hội chợ quê, cháu Hoàng Bảo N (5 tuổi), xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) bị ngã thâm tím vùng mặt. Theo phản ánh của giáo viên chủ nhiệm, lúc xảy ra tai nạn lớp có đông học sinh ùa xuống sân chạy nhảy, nô đùa khiến giáo viên khó kiểm soát. Còn tại Hà Nội, một học sinh Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ khi tham gia chương trình dã ngoại cùng nhà trường ở tỉnh Hòa Bình bị ngã xuống nước dẫn tới tử vong. 
Bảo đảm yếu tố an toàn, thiết thực
Thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu tổ chức từ 2-3 hoạt động trải nghiệm trong năm học. Nhiều nơi tổ chức mô hình câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh; dạy bơi, võ thuật tại trường; tham quan, dã ngoại tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Theo ông Hoàng Công Học, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT), đơn vị ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu nội dung bài học phải phù hợp với lứa tuổi, từng bậc học, đặc điểm tâm sinh lý. Cơ sở giáo dục có thể tự tổ chức hoặc liên kết với doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn cho học sinh, cam kết nêu rõ trách nhiệm.
{keywords}

Dạy kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cho học sinh tại Trường Tiểu học Cương Sơn (Lục Nam).

Tuy nhiên bên cạnh những nơi thực hiện tốt vẫn còn nhiều trường tổ chức ngoại khóa hình thức, làm theo phong trào. Thậm chí có nơi nhà trường “bắt tay” với doanh nghiệp thu phí cao từ người học để trục lợi khi tổ chức hoạt động trải nghiệm. Chị Hoàng Thị Thanh Hòa, nhân viên kế toán tại một doanh nghiệp ở huyện Yên Dũng bày tỏ: “Vừa rồi trường tổ chức cho con tôi đi thăm một số di tích lịch sử trong tỉnh. Tôi thực sự lo lắng liệu độ an toàn, hiệu quả của hoạt động khi sĩ số học sinh toàn trường tham gia lên tới gần một nghìn em; trung bình 40 em/lớp nhưng chỉ có một giáo viên phụ trách đi cùng. Trẻ nhỏ thường ham chơi, hiếu động, địa hình di chuyển liên tục và phức tạp khiến giáo viên khó quản lý”.

{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Phú (Yên Dũng) học võ thuật.

Thời điểm này bắt đầu vào dịp hè, để học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm an toàn, Sở GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường mở cổng đón học sinh đến thư viện, phòng ngoại ngữ, tin học, lớp học bơi, võ thuật để rèn kỹ năng sống theo nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trước sự việc xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, đơn vị tiếp tục chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, TP, cơ sở giáo dục lưu ý khi tổ chức đoàn học sinh đi trải nghiệm thực tế cần cam kết bảo đảm an toàn với gia đình. Quan tâm khảo sát địa điểm tổ chức; xây dựng kế hoạch chương trình chi tiết, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, thành phần tham gia và báo cáo cơ quan thẩm quyền. Lưu ý với hoạt động trải nghiệm ngoài trời cần có giáo viên bộ môn thể dục, nhân viên y tế, bộ đồ dùng dụng cụ thiết yếu để kịp thời sơ cấp cứu khi xảy ra tình huống xấu. Yêu cầu học sinh chú ý quan sát thực tế, viết bài thu hoạch, từ đó rèn luyện kỹ năng ứng xử chủ động, tích cực trong cuộc sống.

Hải Vân



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...