Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Xã hội hóa y tế: Tốc độ phát triển chậm, quy mô nhỏ

Cập nhật: 13:40 ngày 19/06/2018
(BGĐT) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh đầu tư xã hội hóa (XHH) y tế trong các bệnh viện công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe  nhân dân. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ kịp thời để chủ trương này đạt hiệu quả cao.
{keywords}

Dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh theo yêu cầu tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Loay hoay triển khai

Nhờ công tác XHH, các bệnh viện công đã phát huy nhiều nguồn lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật, đầu tư mới các thiết bị chẩn đoán, nâng cao chất lượng điều trị. Song trong quá trình thực hiện vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh là một trong ba đơn vị triển khai mô hình điểm thực hiện đề án XHH. Sau một năm triển khai, Bệnh viện đã dành khu vực tầng 4 tòa nhà mới phục vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và cung cấp nhiều dịch vụ như: Gói sinh, tắm cho trẻ tại nhà, giường bệnh. Tính đến tháng 5-2018, sau hạch toán thu/chi, đơn vị thu về được 11,5 tỷ đồng (là một trong những bệnh viện công chiếm phần lớn chênh lệch thu/chi toàn tỉnh). 

Nhưng khi cung ứng dịch vụ giường bệnh tự nguyện, đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc ngăn phòng bệnh làm giường dịch vụ. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trước nhu cầu phục vụ người bệnh, đơn vị đã triển khai giường dịch vụ mà chưa nâng cấp thành buồng dịch vụ và chưa xem xét kỹ quy chuẩn kê giường. Hiện Bệnh viện đã chỉnh sửa lại, không để xảy ra tình trạng thu hẹp số lượng giường bình thường để mở rộng giường dịch vụ.

Thực hiện XHH, Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa tập trung cải tạo, bổ sung hệ thống phòng tiêm vắc-xin, bố trí thêm Trung tâm nha khoa, mở dịch vụ kính thuốc. Từ mô hình 120 giường bệnh nay đã cải tạo nâng cấp quy mô 200 giường nhưng do lượng bệnh nhân đông nên hằng ngày vẫn thực kê 320 giường bệnh, trong đó có 22 giường tự nguyện. Song hiện nay, Bệnh viện khó tiếp cận nguồn vốn vay, trong khi đang cần đầu tư hạ tầng, mua sắm trang thiết bị máy móc thì đòi hỏi nguồn đầu tư lớn để cạnh tranh với các cơ sở y tế ngoài công lập đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thị trấn Thắng. 

Bác sĩ Đặng Bá Nhiên, Giám đốc Bệnh viện nói: “Đơn vị muốn nâng cấp khu nhà 5 tầng phục vụ công tác khám, chữa bệnh và mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu. Tuy vậy, chúng tôi gặp vướng mắc trong thủ tục vay vốn ngân hàng, thiếu nhân lực chuyên khoa sâu, trong khi các bác sĩ có tay nghề liên tục xin chuyển đến các cơ sở y tế tư nhân”.

Sau một năm thực hiện Đề án XHH y tế, toàn tỉnh có 16/17 bệnh viện đã triển khai các dịch vụ tự nguyện, khám chữa bệnh theo yêu cầu giúp người bệnh tiếp cận với nhiều dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sản- Nhi tỉnh đã thành lập được khoa khám bệnh theo yêu cầu riêng biệt. 14 bệnh viện có buồng bệnh tự nguyện với 334 giường dịch vụ.

Hợp tác đầu tư khu vực riêng

Theo đánh giá của Sở Y tế, hoạt động XHH ở hầu hết các bệnh viện chưa được triển khai sâu rộng, tốc độ phát triển chậm, quy mô nhỏ. Nhiều đề án XHH của các bệnh viện không còn phù hợp với tình hình thực tế phải điều chỉnh lại. Thực trạng này dẫn đến ở nhiều bệnh viện công lập, nhất là tuyến huyện chưa có sự khác biệt rõ rệt giữa khu vực giường bệnh theo yêu cầu và khu vực thông thường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tinh thần, thái độ phục vụ đến chất lượng chăm sóc người bệnh. 

Các bệnh viện đều khó “giữ chân” bác sĩ, nhất là những người có trình độ chuyên sâu. Việc mời chuyên gia đầu ngành tuyến trên về cung ứng dịch vụ chưa thường xuyên, liên tục nên chưa thu hút được đông bệnh nhân. Khu vực giường bệnh theo yêu cầu hầu hết tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, chưa bố trí thành khu riêng biệt nên khó hạch toán. Cơ sở hạ tầng của một số đơn vị xuống cấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, trong khi việc xây dựng cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chưa phù hợp.

Được biết, hiện các đơn vị khó huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, khó vay vốn ngân hàng, khó định giá tài sản cố định. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào các lĩnh vực dễ thu phí như: Siêu âm, Xquang, xét nghiệm máu. Việc thu hút XHH đầu tư trang thiết bị cho một số chuyên khoa mũi nhọn, thiết bị chuyên sâu trong hồi sức, chống nhiễm khuẩn thì doanh nghiệp không mặn mà, bởi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi dài.

Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thu hút nguồn lực đầu tư XHH là hướng đi đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí dành cho y tế còn hạn hẹp. Để chủ trương này đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở Y tế thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án XHH, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chỉ đạo các bệnh viện rà soát lại các dịch vụ, thu hẹp giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa. 

Tiếp tục đầu tư theo hướng chuyên sâu, gắn với thế mạnh chuyên môn ở từng lĩnh vực; bổ sung dịch vụ mới, dịch vụ ngoài bệnh viện; chú trọng liên kết mời chuyên gia ở tuyến trên về cung ứng dịch vụ, chuyển giao kỹ thuật tại đơn vị; tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị; xây dựng khu chăm sóc điều trị theo yêu cầu tách biệt, tạo sự khác biệt về chất lượng dịch vụ với khu vực điều trị thông thường. Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế, tạo cơ chế thông thoáng cho các bệnh viện vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...