Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số: Mang lại cuộc sống ấm no

Cập nhật: 07:00 ngày 27/06/2018
(BGĐT) - Trong các nhóm giải pháp giảm nghèo thì giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động (XKLĐ) mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ hướng đi này, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau khi được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước đã có cuộc sống no ấm, đầy đủ.
{keywords}

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn chính sách ưu đãi xuất khẩu lao động tại huyện Sơn Động.

Đời sống mới

Xã An Lạc (Sơn Động) mấy năm gần đây có nhiều người đi XKLĐ. Nguồn ngoại tệ do lao động ở nước ngoài gửi về hằng năm đã giúp nhiều gia đình trang trải đời sống, đẩy lùi đói nghèo. Anh Châu Văn Dương (SN 1989), dân tộc Tày ở bản Mới đi Hàn Quốc được hơn 2 năm nay, mỗi tháng thu nhập từ 25-30 triệu đồng. Anh vốn xuất thân từ nông thôn, có thời kỳ còn đi làm công nhân trong nhà máy nhưng thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình 5 miệng ăn, cái nghèo đeo đẳng mãi. Khi được cán bộ xã An Lạc tư vấn, anh đăng ký tham gia và trúng tuyển chương trình ưu đãi dành cho lao động 63 huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sang xứ sở Kim Chi thời gian ngắn, anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, lúc rảnh rỗi liên lạc về thăm hỏi người thân.

Từ ngày con trai đi XKLĐ, gánh nặng kinh tế không còn đè nặng lên đôi vai gầy của ông Châu Văn Biên, bố của Dương. Ông vui mừng nói: “Ở nhà dù chăm chỉ xoay xở làm mọi việc nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Nay có tiền con trai gửi về, chẳng những gia đình tôi trả xong nợ mà bước đầu đã có tích lũy”. Thời gian anh Dương làm việc tại Hàn Quốc còn gần 3 năm nữa. Số tiền anh chuyển về, gia đình gửi tiết kiệm sau đó mở cơ sở sản xuất kinh doanh khi anh về nước.

Được cán bộ địa phương giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Khúc Văn Chương, thôn Mo Reo, xã An Lập khi ông vừa hoàn thành ngôi nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại. Trị giá ngôi nhà hơn 1,5 tỷ đồng do 2 con trai đang lao động ở Hàn Quốc gửi về. Trong nhà, nhiều tài sản giá trị như: Xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt… trước đây vợ chồng ông chưa từng mơ thì nay có đủ cả. Đời sống no ấm hiện hữu.

Trường hợp như gia đình ông Châu Văn Biên, Khúc Văn Chương ở Sơn Động không phải là hiếm. Bởi theo bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), những năm gần đây, chính sách hỗ trợ XKLĐ lan tỏa đến khắp làng quê ở vùng cao này. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thành viên của Ban chỉ đạo giải quyết việc làm và đào tạo nghề huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và sẵn sàng hỗ trợ khi người dân có nhu cầu. Nếu như những năm trước, lao động chủ yếu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các nước khu vực Trung Đông giúp việc gia đình thì từ năm 2016 đến nay họ đã ý thức học tập nâng cao tay nghề để có thể tiếp cận thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Toàn huyện hiện có gần một nghìn người đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về cho người thân hàng chục tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp người dân từng bước cải thiện đời sống, địa phương giảm số hộ nghèo và cận nghèo. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5%, hiện chỉ còn 41,22%.

Giải pháp an sinh xã hội

{keywords}

Năm 2017, toàn tỉnh có 3.958 lao động đi XKLĐ, tăng gần 300 người so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Sơn Động. Trong số này có 25% thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số".


Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ, TB&XH)

Thực hiện chính sách ưu đãi trong công tác XKLĐ, thời gian qua, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận thông tin, được hỗ trợ vay vốn, thủ tục pháp lý... Ví như sau khi Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg về thực hiện Đề án hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 có hiệu lực, 215 gia đình thuộc huyện Sơn Động được vay ưu đãi hơn 18,4 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Bằng nguồn ngân sách Trung ương cấp, hiện Sở LĐ,TB&XH quản lý hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng chi phí học nghề, làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe khi đi XKLĐ. Từ Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị Hương, hộ nghèo ở thôn Mỹ Hà, xã Chu Điện (Lục Nam) cho biết: “Tôi được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn từ nguồn quỹ XKLĐ và hỗ trợ toàn bộ chi phí học nghề, làm thủ thủ tục xuất cảnh. Tôi sẽ chăm chỉ lao động để sớm thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.

Trung bình mỗi năm, Bắc Giang có từ 30 - 35 doanh nghiệp XKLĐ về phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về điều kiện tham gia, mức phí và thu nhập khi đi XKLĐ cho người lao động. 6 tháng năm 2018, có 16 doanh nghiệp được Bộ LĐ,TB&XH cấp phép về địa phương tuyển lao động. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH khẳng định:"So với các ngành nghề, lĩnh vực lao động thì XKLĐ vẫn là hướng phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả. Điều này có thể cảm nhận rõ rệt sự thay đổi diện mạo làng quê ở những xã như: Tam Dị, Chu Điện (Lục Nam); Tư Mại, Cảnh Thụy (Yên Dũng), Tân Hưng (Lạng Giang). Chất lượng đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể so với trước”.

Để đạt mục tiêu năm 2018 đưa 3.600 người đi XKLĐ, Sở đang đẩy mạnh chương trình phối hợp cùng các huyện, TP tuyên truyền các chính sách ưu đãi về XKLĐ, trong đó tiếp tục ưu tiên đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số vùng khó khăn, thân nhân của người có công tham gia chương trình. Cùng với giải pháp trên, hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ uy tín. Tiếp tục phát huy hiệu quả phiên giao dịch trực tiếp hoặc online nhằm đưa thông tin XKLĐ đến nhiều hơn với người lao động.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...