Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thành lập công đoàn trong doanh nghiệp: Chăm lo tốt hơn cho người lao động

Cập nhật: 18:18 ngày 29/06/2018
(BGĐT) - Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TU ngày 19-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, các cấp công đoàn đã tập trung vận động thành lập, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi đoàn viên, người lao động.
{keywords}

Bữa ăn ca của công nhân Công ty TNHH Mplus Hà Nội (CCN Đồng Đình, Tân Yên).

Hướng đến DN đông công nhân

Để mang lại hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, lồng ghép với Chương trình “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, giai đoạn 2013-2018”; giao chỉ tiêu vận động cho các huyện, TP, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc. Công đoàn các cấp phối hợp với ngành chức năng, địa phương nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hướng trọng tâm vận động vào những DN có đông công nhân nhưng tỷ lệ đoàn viên còn thấp.

Theo ông Hoàng Văn Tình, Trưởng Ban Tổ chức (LĐLĐ tỉnh), vai trò của cán bộ công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ này rất quan trọng. Vì thế, ngoài tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, đơn vị còn phân công đội ngũ thường xuyên bám cơ sở. Từ đó, lựa chọn phương thức tiếp cận cụ thể, phù hợp, gặp gỡ NLĐ và chủ DN để tuyên truyền, giới thiệu về vai trò của tổ chức công đoàn.

Công đoàn Các KCN tỉnh hiện là công đoàn cấp trên cơ sở hiện có số DN đã thành lập CĐCS đạt 43% với hơn 66% công nhân tham gia, cao nhất tỉnh. Để có được kết quả này, đơn vị tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân, nổi bật là hiệu quả của tổ tư vấn pháp luật ra đời năm 2013. Với hình thức phong phú như: Tư vấn trực tiếp tại trụ sở hoặc lưu động tại DN, qua điện thoại, email… đã trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản cho NLĐ, giúp họ tự tin lên tiếng bảo vệ mình khi DN vi phạm chính sách.

Kiên trì, linh hoạt vận động

{keywords}

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền chính sách pháp luật cho người lao động tại huyện Hiệp Hòa.

Hiện nay, tỷ lệ DN trong tỉnh có tổ chức công đoàn mới chỉ đạt khoảng 24% số DN đủ điều kiện thành lập. Như vậy, rất khó để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, 80% DN đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; 75% công nhân lao động trong DN là đoàn viên như Chỉ thị 07 đề ra. 

Ông Hoàng Văn Tình cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do DN chưa nhận thức chưa hết về vai trò của tổ chức công đoàn là giúp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN. Do vậy, cán bộ công đoàn rất khó tiếp cận DN để tuyên tuyền. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Ba Sao, Cụm công nghiệp Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Nhiều năm nay, dù thực hiện tốt các chính sách với NLĐ, trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ nhưng DN lại không thành lập tổ chức. “Chúng tôi đã thành lập các đoàn nhiều lần đến vận động nhưng lãnh đạo DN đều báo bận việc và ủy quyền cho bộ phận hành chính tiếp đón. Vì vậy, khó có được câu trả lời cuối cùng”, ông Ngô Đức Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Bắc Giang cho biết.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thành lập 215 CĐCS, trong đó có 191 CĐCS trong DN (chiếm 88,8%); kết nạp hơn 50,3 nghìn đoàn viên, trong đó có gần 47,7 nghìn đoàn viên trong DN (chiếm 94,7%).

Bài học kinh nghiệm của nhiều đơn vị như: Công đoàn Các KCN tỉnh, LĐLĐ TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, huyện Yên Dũng là căn cứ tình hình cụ thể của từng DN để kiên trì vận động, linh hoạt trong phương pháp tiếp cận, hình thức tuyên truyền. Ban chấp hành phân công các ủy viên nắm số lượng DN chưa tham gia; thành lập các đoàn đến vận động; chú trọng lựa chọn nhân sự nòng cốt, tâm huyết để thành lập ban vận động; hướng dẫn gửi đơn xin thành lập tổ chức. Trên cơ sở đó, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gửi thông báo, đề nghị lãnh đạo DN tạo điều kiện tổ chức hội nghị tuyên truyền và thành lập CĐCS. 

Cách làm này nâng tính chủ động của NLĐ và nhận thức của chủ DN về vai trò của công đoàn để tham gia. Trở thành đoàn viên công đoàn, đa số công nhân đều bày tỏ hy vọng bởi sẽ có một tổ chức là chỗ dựa, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho mình. “Được bảo vệ, chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho DN”, chị Đặng Thị Vân, công nhân Công ty TNHH JMC Việt Nam (Việt Yên) bày tỏ.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh được biết, nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu Chỉ thị 07 đề ra, đơn vị tiếp tục chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác phát triển đoàn viên; quan tâm bồi dưỡng năng lực chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ cán bộ. Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình phát triển DN, NLĐ trên địa bàn theo ngành, nghề để xây dựng kế hoạch vận động phù hợp; nhân rộng cách làm hay, hiệu quả. Đồng thời, có những giải pháp hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, tạo sức hút để DN, NLĐ tích cực tham gia tổ chức.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...