Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngày Dân số thế giới 11-7: Kế hoạch hóa gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Cập nhật: 09:13 ngày 11/07/2018
Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, trong đó có tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả, chi phí thấp nhất. Việc này mang lại lợi ích trực tiếp, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ, bảo đảm chất lượng dân số. Do đó, Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay có chủ đề “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”.

{keywords}

Công tác dân số trong những năm tới sẽ chuyển mạnh trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Giảm nguy cơ liên quan đến sức khỏe

Theo nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chung ở Việt Nam là khá cao (80,5%). Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ cao nhất (83,4%) và thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (75,1%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn. Nghiên cứu cũng cho thấy, 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-49 có sử dụng một biện pháp tránh thai bất kỳ, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Biện pháp phổ biến nhất là đặt vòng tránh thai (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%)…

Các kết quả này cho thấy, người dân vẫn sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống và ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Việc không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc chỉ sử dụng biện pháp tránh thai truyền thống; sử dụng chưa đúng theo khuyến cáo của các biện pháp tránh thai; sử dụng không liên tục… sẽ dẫn tới tỷ lệ có thai ngoài ý muốn cao hơn. Từ đó dễ dẫn đến nạo phá thai, gây nguy hiểm tới sức khỏe  người phụ nữ.

Bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (đơn vị thực hiện nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam) chia sẻ: Việt Nam là một nước có tỉ lệ nạo phá thai cao trên thế giới. Đây là hậu quả của việc không sử dụng đúng các biện pháp tránh thai hiện đại hoặc không sử dụng liên tục. 

Bên cạnh đó, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, đã có hàng triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những căn bệnh này gây tổn hại sâu sắc đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em, thanh niên, vị thành niên…Có thể kể đến các vấn đề như: Tử vong chu sinh, sơ sinh, ung thư cổ tử cung, vô sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV, hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những hậu quả này có thể giảm đi đáng kể nếu người dân biết cách sử dụng đúng và liên tục các biện pháp tránh thai hiện đại.

Bảo đảm chất lượng cuộc sống 

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nhưng vẫn phải quan tâm, cải thiện như chất lượng dịch vụ, tỉ lệ sử dụng không liên tục và thất bại của các biện pháp tránh thai.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng: Hiện nay, các biện pháp tránh thai chủ yếu là dành cho phụ nữ, Việt Nam cần tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi để khuyến khích nam giới tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai. Mặt khác, công tác truyền thông cũng cần có chiến lược truyền thông hiệu quả để người dân tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm thiểu các phương pháp truyền thống.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ, nữ thanh, thiếu niên có thai ngoài ý muốn vẫn còn khá cao. Vì vậy, các đơn vị chức năng cần tập trung thực hiện chương trình giáo dục giới tính, nhất đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thanh, thiếu niên độ tuổi 10-18 về sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai trước khi lập gia đình. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp đất nước "gặt hái" được nhiều lợi ích kinh tế xã hội lâu dài.

Cùng với việc ổn định quy mô dân số, công tác dân số trong những năm tới sẽ chuyển mạnh trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, trong đó đặc biệt nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...