Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Cập nhật: 16:42 ngày 13/08/2018
(BGĐT) - Là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã và đang được ngành chức năng và các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện. Trong đó, liên kết với doanh nghiệp (DN) là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
{keywords}

Nông dân xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tham gia lớp học nghề trồng hoa lay-ơn.

Giao chỉ tiêu cụ thể

Theo thống kê của Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2016 đến nay, thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 5,8 nghìn LĐNT. Kết quả rà soát sau đào tạo, có hơn 80% LĐNT tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng nâng cao năng suất, thu nhập. 

Để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo Công tác giáo dục nghề nghiệp và Giải quyết việc làm tỉnh chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Theo đó, các huyện, TP tập trung rà soát số người trong độ tuổi lao động, nhu cầu ngành nghề ở từng địa phương để phân bổ chỉ tiêu và tổ chức đào tạo phù hợp. Thực hiện nghiêm các quy định về chương trình vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, giúp người nghèo có điều kiện học nghề.

Từ nhiều năm nay, Lạng Giang luôn là đơn vị được đánh giá cao trong đào tạo nghề cho LĐNT. Từ năm 2016, trung bình mỗi năm, huyện được giao chỉ tiêu dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 400 người; kết quả hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, trên địa bàn hiện có hơn 450 DN hoạt động hiệu quả, nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hơn 1 nghìn lao động. Để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho DN, đơn vị chỉ đạo cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát, lập danh sách lao động chưa có việc làm; tăng cường tuyên truyền về chỉ tiêu, xu hướng ngành nghề để lao động đăng ký. Lựa chọn những cơ sở dạy nghề uy tín, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phối hợp mở các lớp đào tạo.

“Bên cạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để bà con ứng dụng vào phát triển các mô hình kinh tế, chúng tôi chú trọng tới nhóm nghề may công nghiệp, cơ khí bởi nghề này phù hợp với thực tế địa phương khi diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp dần”, bà Thoa nói.

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 5,8 nghìn LĐNT. Kết quả rà soát sau đào tạo, có hơn 80% LĐNT tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng nâng cao năng suất, thu nhập.

Tạo việc làm sau đào tạo

Thực tế, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT được đánh giá ở chất lượng đầu ra. “Để nâng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với DN tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng. Cách làm này đồng nghĩa với việc học viên sau từ 3-6 tháng tham gia khóa học sẽ được các DN, cơ sở sản xuất nhận vào làm với mức thu nhập ổn định và không còn lo lắng về khả năng đáp ứng yêu cầu hoặc bao tiêu sản phẩm”, ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Từ cuối năm 2017, Trung tâm Dạy nghề 2-9, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) liên kết với Công ty TNHH Loan Hương (cùng địa bàn) tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Năm nay, qua Phòng LĐ-TB&XH huyện, đơn vị mở được 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, học viên chủ yếu là LĐNT trong xã. Bằng hình thức liên kết trực tiếp với DN, Trung tâm cung ứng đủ số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực cho DN. 

Công ty TNHH Loan Hương nhận được đơn hàng may túi xách sử dụng trong siêu thị để xuất khẩu và cần nhiều lao động gia công tại nhà. Để học viên có thu nhập từ nghề đã học, Trung tâm Dạy nghề 2-9 còn chủ động kết nối với một số DN kinh doanh thiết bị may mặc bán trả góp máy may công nghiệp cho LĐNT.

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1990), thôn Tân Lập, xã Ngọc Thiện bày tỏ: “Được tạo điều kiện học nghề gần nhà, ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, sau ba tháng, tôi còn được Trung tâm giới thiệu việc làm ổn định. Với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình tôi sẽ bớt khó khăn". Bên cạnh đó, trong ngành nghề nông nghiệp, với kinh nghiệm vốn có, nhiều nông dân đã thay đổi thói quen sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế tại địa phương.

{keywords}

Nhờ liên kết đào tạo, nhiều phụ nữ nông thôn sau khi học nghề được Hợp tác xã May công nghiệp Mai Đức, thôn Hoàng Mai 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) nhận vào làm việc.

Dù đã đạt kết quả khả quan nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc dự báo cung - cầu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu dài hạn; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có gắn kết với DN nhưng chưa thực sự bền vững; ngành nghề đào tạo thiếu phong phú. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư ngày càng hạn chế, phân bổ muộn, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thực hiện. 

Vì thế, ngoài tập trung tổ chức dạy nghề cho LĐNT sát nhu cầu lao động, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, ngành LĐ-TB&XH tăng cường nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa đầu tư thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo nghề theo hướng hiện đại; bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển KT-XH để có chính sách hỗ trợ về vốn, giúp LĐNT phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề. 

Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa để bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Với nhóm nghề phi nông nghiệp, ngành và địa phương phối hợp nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với DN, tăng cơ hội việc làm cho học viên.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...