Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bám sát hướng dẫn, tránh cào bằng trong tinh giản biên chế ngành y tế, giáo dục

Cập nhật: 16:12 ngày 14/08/2018
(BGĐT) - Biên chế thuộc ngành y tế, giáo dục chiếm phần lớn trong tổng biên chế các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Bài toán tinh giản đội ngũ đặt ra nhiều thách thức bởi hiện nay nhiều trường học đang thiếu giáo viên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) cũng chưa đủ bác sĩ.
{keywords}

Giờ học Tiếng Anh ở Trường THCS Hương Mai (Việt Yên).

Kết quả đạt thấp

Thời điểm này, phần lớn các trường học, cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh đều thiếu nhân lực làm công tác chuyên môn. Do vậy yêu cầu cắt giảm ít nhất 10% biên chế (giai đoạn 2015-2021) ở các đơn vị này gặp khó khăn. Còn nếu thực hiện đúng lộ trình, nhiều người lo ngại hoạt động ở những nơi này khó đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Khi xây dựng đề án tinh giản biên chế, Sở Y tế đưa ra kế hoạch đến năm 2021 giảm 7,14% so với năm 2015, thấp hơn yêu cầu đặt ra, tương đương bình quân mỗi năm phải giảm 69 biên chế. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, số lượng tinh giản của ngành đều không đạt theo mục tiêu. Từ năm 2015 đến nay, toàn ngành mới tinh giản được 38 chỉ tiêu, chủ yếu là y sĩ và nhân viên hành chính. Thậm chí có cơ sở y tế như Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh nhiều năm không tinh giản được trường hợp nào. 

Bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Thực tế thiếu nhân lực song vẫn phải tinh giản biên chế đang là vấn đề đặt ra với đơn vị. Hiện bệnh viện có 517 cán bộ, viên chức với 570 giường bệnh, tỷ lệ nhân lực/giường bệnh đạt 0,91. So với quy định tại Thông tư liên tịch số 08 của liên Bộ Nội vụ - Y tế ngày 5-6-2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước (tỷ lệ nhân lực trên giường bệnh là 1,4-1,45) thì còn thiếu nhiều y, bác sĩ. Trong khi đó tình trạng bác sĩ giỏi xin thôi việc tăng, riêng năm 2017 có 4 bác sĩ trẻ ở các khoa đẻ, khoa ngoại nghỉ việc”.

Theo đề án UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2015-2021 ngành giáo dục thực hiện tinh giản 10,8% so với tổng biên chế được giao năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến hết năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới chỉ tinh giản được 32 người, chiếm gần 23% kế hoạch đặt ra. Thực tế trường lớp gia tăng, thiếu giáo viên nên các đơn vị trong ngành đang rất lúng túng khi thực hiện tinh giản biên chế. 

Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn cho hay, tỷ lệ giáo viên mầm non của huyện mới đạt 1,68/lớp. Tương tự ở bậc tiểu học, năm học này tăng 33 lớp tương đương 1.235 em, để đáp ứng tỷ lệ tối đa 1,5 giáo viên/lớp khi dạy hai buổi/ngày thì còn thiếu 122 người. Không tính số tuyển mới dịp này, huyện còn thiếu 37 giáo viên mầm non và 83 giáo viên tiểu học. Trong khi lộ trình vẫn phải tinh giản biên chế là điều khó khăn cho huyện.

Tháng 8-2018, Hội đồng tuyển dụng tỉnh tuyển 714 chỉ tiêu giáo viên. Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, số giáo viên mới tuyển chỉ tương tương đội ngũ nghỉ theo chế độ hưu trí. Trong khi số lượng học sinh tăng mạnh khiến áp lực thiếu giáo viên với toàn ngành là rất lớn.

{keywords}

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

Sắp xếp tinh gọn, hiệu quả

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ, việc tinh giản biên chế ở hai ngành y tế và giáo dục theo chỉ tiêu cào bằng (đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015) là rất khó. Nguyên nhân do nhiều đơn vị thuộc ngành đang thiếu nhân lực, chưa bảo đảm các tỷ lệ theo quy định của ngành. Thêm nữa, ở các cơ sở y tế, bác sĩ càng nhiều tuổi thì chuyên môn, kinh nghiệm càng cao, nếu vận động nghỉ trước tuổi theo Nghị định 108 vô hình chung tạo lỗ hổng lớn về nhân lực có trình độ chuyên môn trong ngành.

Để bảo đảm kế hoạch đặt ra, thời gian qua, tỉnh đã tiến hành sáp nhập các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế và sắp xếp lại các trường học. Trong đó năm 2017 toàn ngành giáo dục sáp nhập 26 trường học. Số cán bộ quản lý và nhân viên hành chính được chuyển sang những nơi đang thiếu. Còn ngành y tế sáp nhập, giảm 6 đơn vị trực thuộc.

Để thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế, giải pháp đặt ra với các ngành là cần làm tốt công tác xây dựng đề án vị trí việc làm sát với tính chất công việc và năng lực cán bộ. Cùng đó là minh bạch, công bằng khi đánh giá kết quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết tinh giản đối với trường hợp năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. 

Song song với việc rà soát, khi tham mưu với tỉnh tuyển bổ sung đội ngũ ở những vị trí thiếu cần rốt ráo xây dựng phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa thiếu bác sĩ, giáo viên lại vừa phải tinh giản đội ngũ, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế và giáo dục. Trên cơ sở đó, các đơn vị tự cân đối, thực hiện thuê lao động ở bộ phận hành chính như: Kế toán, bảo vệ, tạp vụ, lái xe...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết tinh giản biên chế
Sáng 20-10, báo cáo Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, đề cập vấn đề hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian vừa qua đã xây dựng, trình Quốc hội 20 dự án luật, Pháp lệnh; ban hành 103 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật.
 
Đẩy mạnh tinh giản biên chế
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, TP đẩy mạnh tinh giản biên chế
 
Chi trả gần 16,4 tỷ đồng cho cán bộ diện tinh giản biên chế
(BGĐT) - Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 ngày 20-11-2014 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định phê duyệt danh sách 153 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ. 
 
Tinh giản biên chế 22.763 người: Đa số là người về hưu trước tuổi
Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế (TGBC) năm 2015, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết là 22.763 người. Trong đó, người hưởng chính sách về hưu trước tuổi chiếm đa số.
 
Tinh giản biên chế: Giảm đầu mối, nâng cao chất lượng đội ngũ
(BGĐT) - Để đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% chỉ tiêu biên chế giao năm 2015, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi các cấp, ngành vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và xác định rõ giải pháp thực hiện.
 
Vướng quy định, tinh giản biên chế đạt thấp
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 39 ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108 ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (gọi tắt là Nghị quyết 39, Nghị định 108), UBND tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2021, mỗi cơ quan, đơn vị phải tinh giản tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015. Sau ba năm thực hiện, do nhiều đơn vị gặp khó nên kết quả còn khiêm tốn.
 

Nhật Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...