Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người lao động bị tai nạn gánh nặng chi phí vì không có BHYT

Cập nhật: 15:33 ngày 31/10/2018
(BGĐT)- Công việc của người lao động tự do luôn đối mặt với những nguy hiểm rình rập nếu không tuân thủ kỷ luật an toàn lao động. Nhưng phần lớn đối tượng này vẫn chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). 

Nộp viện phí cao

Trong tháng 9-2018, chứng kiến giây phút anh Hoàng Văn Bình, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang sảy chân ngã giàn giáo trong khi đang hoàn thiện ngôi nhà cao tầng, cánh thợ cùng làm không khỏi bàng hoàng. Ngay lập tức, anh Bình được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Do bị chấn thương cột sống, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật khẩn cấp cứu anh qua cơn nguy kịch. 

{keywords}

Người lao động không thắt dây an toàn khi thi công công trình tại phường Xương Giang (TP Bắc Giang).

Tuy nhiên, người bệnh chưa tham gia BHXH, BHYT nên anh không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào mà còn phải chi trả hơn 40 triệu đồng tiền viện phí. Trong khi nếu anh Bình đã đóng BHXH, BHYT thì sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) và mức viện phí giảm trừ chỉ còn khoảng 8 triệu đồng. Gia đình cho biết, anh Bình làm thuê cho chủ cai thầu xây dựng nhỏ nhận thi công các công trình nhà dân nên tiền công thỏa thuận theo ngày chứ không có hợp đồng.

Không riêng anh Bình mà hầu hết người lao động bất ngờ bị tai nạn phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế đều nhận thấy tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT. Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Hòa, xã Hương Gián (Yên Dũng) cho biết: “Tôi ngã từ tầng cao xuống đất bị chấn thương sọ não, cột sống trong lúc đang làm việc. Điều trị nội trú thời gian dài trong bệnh viện rất tốn kém. Giá như trước đó quyết liệt đòi cai thầu ký hợp đồng lao động để được đóng BHXH, BHYT hoặc tự mua BHYT theo hộ gia đình thì cũng đỡ tốn kém nhiều”. Do phải chi trả số tiền viện phí lớn, anh Hòa lại là lao động chính nên kinh tế gia đình càng khó khăn, eo hẹp.

Theo khảo sát của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh còn khoảng 130 nghìn người chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu ở người lao động tự do. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người lao động, đặc biệt là đối tượng không có BHXH, BHYT, phải tự lo mọi khoản chi phí. Bác sĩ Hoàng Chí Thành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: “Sau điều trị, sức khỏe của họ hầu hết không được bình phục hoàn toàn. Ca nhẹ thì gãy hoặc mất một bàn tay hay bàn chân, nặng hơn mất cả hai tay, hai chân, nằm liệt, sống thực vật, thậm chí tử vong trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Với mức thương tật nghiêm trọng, nhiều người không thể tự chủ trong cuộc sống, phải nhờ cậy vào người thân từ sinh hoạt cá nhân đến nuôi sống bản thân”.

Không để người lao động chịu thiệt thòi

Thực tế, số vụ tai nạn lao động xảy ra đối với trường hợp làm việc không theo hợp đồng cao hơn khu vực có quan hệ lao động. Theo phân tích của cán bộ phụ trách mảng an toàn lao động (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), tình trạng TNLĐ diễn ra do nạn nhân chưa chú trọng kiểm tra, vận hành máy móc đúng quy trình, chưa sử dụng thiết bị bảo hộ lao động; do thiếu hiểu biết hoặc vì mưu sinh.

Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 300 ca TNLĐ, trong đó có 50 người chưa có BHYT. Nhiều gia đình khánh kiệt vì không may có người thân bị TNLĐ do không tham gia BHXH, BHYT.

Được biết, hiện nay, phần lớn lao động tự do làm việc mùa vụ theo thỏa thuận miệng, lương trả công nhật, chưa được chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT. Khi xảy ra sự cố, chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận bồi thường cho người bị nạn, trong khi người lao động và gia đình hiểu biết pháp luật hạn chế nên chấp nhận thiệt thòi. Hơn nữa, lao động tự do chưa mặn mà tham gia BHXH, BHYT do công việc bấp bênh, thu nhập thấp và cho rằng mức đóng cao dù đã được hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh, trong thời gian tới ngành sẽ phối hợp với ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020, góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, bảo đảm cuộc sống lâu dài cho đối tượng lao động tự do. Nhất là trong tháng 11-2018 (Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHYT năm 2019), các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính pháp luật về BHYT cho mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng đến đối tượng lao động tự do, tránh để khi xảy ra tai nạn, người lao động mới hối tiếc vì chưa tham gia BHYT.

Hơn nữa cần giải thích cho người dân hiểu rằng, BHYT là hình thức đóng góp để chăm sóc sức khỏe toàn dân, giải pháp lâu dài để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bất ngờ bị TNLĐ.

Nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn ở mức cao
(BGĐT) - Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang, đến ngày 10-9, toàn tỉnh có gần 700 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền 137,3 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng 8-2018 nhưng số nợ vẫn ở mức cao.
 
Quyền lợi BHYT sau 5 năm liên tục tham gia
Người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục có thể được cơ quan Bảo hiểm chi trả 100% hoặc đồng chi trả mức 5% hoặc 20%.
 
Phấn đấu đạt 97% người dân tham gia BHYT
(BGĐT)- Năm 2018, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phấn đấu có 97% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
 
Khám chữa bệnh bằng BHYT có còn dễ trục lợi như trước?
Ngoài tăng cường hệ thống giám sát, giám định, các quy định của pháp luật cũng tăng nặng xử phạt với hành vi trục lợi BHYT.
 
Thông tin trực tuyến về BHXH, BHYT
(BGĐT) - Ngày 31-10, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 10-2017 cho các cơ quan thông tấn, báo chí ở 63 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có cán bộ, nhân viên BHXH tỉnh, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn.
 

Duy Minh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...