Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Giảm nghèo thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống

Cập nhật: 07:00 ngày 21/11/2018
(BGĐT) - Thực hiện lộ trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, hơn 65 nghìn hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Nhờ đó, việc tiếp cận thông tin của người dân dễ dàng hơn, góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong căn nhà nhỏ, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Nài (SN 1954), thôn Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên-Bắc Giang) đỡ tẻ nhạt hơn khi có chiếc ti vi bầu bạn. Bà Nài không có con nên ở một mình nhiều năm nay. Vài năm trước, bà được người cháu tặng cho chiếc ti vi 21 inch. Khi còn phủ sóng analog, ti vi nhà bà bắt được một số kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang... Tuy nhiên chất lượng truyền dẫn sóng không tốt nên hầu hết các kênh đều không nét, nhiều khi không xem được.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Nài có chiếc ti vi để bầu bạn hằng ngày.

Năm 2016, bà là một trong 200 hộ của xã Hồng Thái đủ điều kiện (là hộ nghèo, có ti vi, chịu ảnh hưởng bởi việc cắt sóng analog) được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Tổng chi phí một chiếc đầu thu, công lắp đặt khoảng 500 nghìn đồng. Nhờ đó, bà Nài thường xuyên theo dõi các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với một số chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Qua những chương trình truyền hình này, bà biết cách phòng ngừa một số bệnh tuổi già, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.

Ông Lâm Văn Ngân (SN 1956) dân tộc Nùng ở thôn 21, xã Hương Lạc (Lạng Giang-Bắc Giang) cũng rất phấn khởi kể từ khi được hỗ trợ đầu thu theo chương trình này. Trước đây, ti vi của gia đình ông bắt được vài kênh cũng đã khó, hình ảnh lại hay bị nhòe, tiếng được tiếng mất nhưng bây giờ có thể bắt được hàng chục, thậm chí hơn 100 kênh vẫn chưa hết. Khi xem truyền hình kỹ thuật số, ông không còn gặp các hiện tượng như: Chương trình truyền hình bị gián đoạn, tivi bị dừng hình, hình ảnh không sắc nét. Hơn thế, ông còn được xem nhiều chương trình truyền hình đa dạng, phong phú với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động. Đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến nông trên VTV2, ông học được kỹ thuật gieo trồng, cách phòng bệnh cho một số cây rau màu. Từ kinh nghiệm, kiến thức dần được tích lũy thông qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Ngân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích trồng cây khoai lang sang trồng đỗ vụ đông cùng một số loại rau màu ngắn ngày khác. Mỗi vụ ông thu nhập gấp đôi so với trồng khoai lang (từ 3 đến 5 triệu đồng/vụ).

Được biết, chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất nhằm cụ thể hóa Quyết định số 2451 ngày 27 - 12 - 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, TP rà soát các hộ nghèo, cận nghèo có ti vi bị ảnh hưởng bởi việc cắt sóng analog. Đây đều là các hộ chưa sử dụng ba loại hình dịch vụ truyền hình: Internet, cáp, vệ tinh. Chương trình hỗ trợ chia làm hai đợt vào các năm 2016 và 2017. Kết quả, hai năm đã có 65.353 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh được lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang cho biết: Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số giúp các hộ có cơ hội tiếp cận thông tin chính trị, KT-XH, khoa học-kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, từ đó người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo của huyện Sơn Động, Lục Ngạn và 9 xã của huyện Lục Nam.

Huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo theo địa chỉ
(BGĐT) - Hỗ trợ người nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn theo địa chỉ là cách làm hiệu quả  mà các cấp ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai. Qua đó huy động được nhiều nguồn lực, giúp đỡ họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. 
 
Muốn thành hộ nghèo
(BGĐT) - Có lẽ trên đời chẳng ai muốn thành hộ nghèo cả nhưng nếu chỉ nghèo trên giấy để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước thì nhiều người muốn. Chuyện một loạt cán bộ phường ở Thái Bình “bỗng dưng” trở thành hộ nghèo và được vay vốn ưu đãi dành cho người nghèo khiến dư luận bất bình.
 
Tiện ích từ phần mềm quản lý hộ nghèo, cận nghèo
(BGĐT) - Để  phát huy hiệu quả chế độ, chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, bên cạnh tập trung rà soát, các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã áp dụng quản lý bằng phần mềm Misposasoft với những tính năng tiện ích nổi bật. Từ đó, tạo cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 
 

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...