Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Triển khai dịch vụ công trực tuyến: Cái khó “bó” tiện ích

Cập nhật: 07:00 ngày 01/12/2018
(BGĐT) - Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tăng hiệu quả cải cách hành chính. Tuy nhiên, do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng, công dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện giao dịch dẫn đến số hồ sơ thực hiện giao dịch mức độ 3,4 còn thấp.

Người dân chưa mặn mà

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến thời điểm này, các sở, ngành, địa phương đã cung cấp 612 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 106 mức độ 4; chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, cấp đổi phù hiệu xe ô tô, cấp đổi giấy phép liên vận... Trong số hơn 300 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết, huyện Việt Yên đưa hơn 200 thủ tục giải quyết ở mức độ 3 và 80 thủ tục ở mức độ 4. Trên trang thông tin của huyện đã hướng dẫn rõ quy trình nộp hồ sơ trực tuyến cũng như cách thức kê khai, đính kèm thông tin. Tuy vậy, đến thời điểm này, bộ phận một cửa huyện vẫn chưa tiếp nhận được bất cứ hồ sơ trực tuyến nào. Anh Cáp Trọng Đạt, cán bộ phụ trách bộ phận cho biết: Mặc dù được hướng dẫn nộp trực tuyến nhưng khi nói đến các bước giải quyết, phần lớn người dân đều ngần ngại tìm hiểu quy trình nên vẫn trực tiếp mang hồ sơ đến bộ phận một cửa làm thủ tục.

{keywords}

Cán bộ bộ phận một cửa TP Bắc Giang hướng dẫn người dân lấy số thứ tự giải quyết TTHC.

Dù đã nâng cấp hàng chục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng bộ phận một cửa tại nhiều đơn vị như: Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Ngoại vụ... lâu nay vẫn chưa nhận được hồ sơ trực tuyến. Tình trạng này cũng phổ biến ở các huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Hiện hồ sơ trực tuyến phát sinh chủ yếu ở những dịch vụ do các Bộ, ngành T.Ư cung cấp. Anh Bùi Văn Lục, xã Tự Lạn (Việt Yên) kể: “Tôi đã từng gửi hồ sơ trực tuyến nhưng không nhận được giấy hẹn, không biết hồ sơ đến đâu, trong khi thao tác hướng dẫn chưa chi tiết, dễ hiểu nên ngại sử dụng".

Theo ông Tô Văn Bình, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (CNTT) Sở TT&TT, nguyên nhân chính khiến dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 chưa thực sự phát huy hiệu quả là do hệ thống mạng Internet, hạ tầng thiết bị tin học tại một số địa phương chưa đồng bộ, trình độ tin học hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Dữ liệu thông tin liên quan đến thủ tục được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên trang thông tin của các sở, ngành, địa phương còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu. Phần mềm một cửa điện tử chưa liên thông được đủ 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) nên việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến không thuận. Người dân khi làm hồ sơ luôn có tâm lý muốn gặp trực tiếp cán bộ để được tư vấn, hướng dẫn tránh phải làm đi làm lại nhiều lần.

Nhìn rõ hạn chế để tập trung khắc phục

Theo Thông tư 32, dịch vụ công trực tuyến phải được tìm bằng các công cụ tìm kiếm phổ biến; tự động xác định thông tin của người sử dụng, thông tin chuẩn của cơ quan nhà nước; có hướng dẫn trực tiếp ngay tại nơi nhập dữ liệu để người sử dụng xem khi cần thiết...

Hạ tầng dịch vụ công chưa đạt chuẩn, thiếu "công dân điện tử" là những khó khăn để tỉnh phát triển dịch vụ công trực tuyến. Tháng 11-2017, Bộ TT & TT ban hành Thông tư 32/2017/TT-BTTTT (gọi tắt là Thông tư 32) quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1-6-2018), trong đó quy định cụ thể về thành phần đối với từng thủ tục.

Xác định ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC là khâu đột phá xây dựng chính quyền điện tử, hành động nên ngay từ khi Thông tư 32 ban hành, tỉnh đã giao Sở TT&TT rà soát hiện trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện theo quy định mới. Hiện Sở TT&TT đang xây dựng cổng dịch vụ công của tỉnh nhằm cung cấp các dịch vụ trên một nền tảng thông tin thống nhất, đồng bộ tại các sở, ngành, huyện, xã. Để cổng dịch vụ công này phát huy hiệu quả, Sở đã rà soát, lập danh sách TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ, thành phần đơn giản để xây dựng phương án ứng dụng dịch vụ mức độ 3,4; hướng xây dựng khoảng 30 thủ tục trong năm 2019 ở các sở.

Nhằm từng bước nâng cấp các điều kiện cơ bản của dịch vụ, năm nay, tỉnh đã triển khai thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) tại các phường, xã trên địa bàn TP Bắc Giang. Bởi khi thông suốt thì giao dịch điện tử mới được thực hiện đúng nghĩa. Trên cơ sở phần mềm mới, TP Bắc Giang đã nghiên cứu, lên kế hoạch ứng dụng 10 dịch vụ mức độ 3 trên cổng dịch vụ công theo tiêu chuẩn mới. “Qua quá trình thử nghiệm rút ra những lỗi chưa phù hợp để kịp thời chỉnh sửa”, anh Trần Danh Hưng, cán bộ phụ trách bộ phận một cửa TP cho hay.

Được biết, mục tiêu của Bắc Giang đến hết năm 2020 đạt 55% TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ mức độ 4. Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Bình cho rằng, tỉnh chưa có hệ thống nền tảng về CNTT, trong khi ngân sách eo hẹp nên việc triển khai dịch vụ công theo quy định mới khá khó khăn vì đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ. Bên cạnh cố gắng của cơ quan chuyên môn thì bản thân công dân cần nâng cao nhận thức, sẵn sàng thích ứng với CNTT. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chế độ ưu đãi khi nộp hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân tham gia giải quyết TTHC qua mạng.

34 sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tiêu biểu được nhận Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam 2018
Lễ trao tặng Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam năm 2018 do Hội Truyền thông số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức chiều 19-11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Bưu điện tỉnh và Cục Thi hành án dân sự Bắc Giang hợp tác thực hiện dịch vụ bưu chính công ích
(BGĐT)- Chiều 14-11, tại Bưu điện tỉnh Bắc Giang, Bưu điện tỉnh và Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thực hiện dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
 

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...