Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi ám ảnh mang tên "ung thư"

Cập nhật: 13:37 ngày 04/12/2018
(BGĐT) - Ung thư đang trở thành gánh nặng bệnh tật lớn nhất hiện nay bởi chi phí điều trị quá tốn kém, đau đớn thể xác, tinh thần kéo dài cả cho người bệnh và thân nhân của họ. Đáng lo ngại hơn, số lượng bệnh nhân ung thư đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và trẻ hóa.

Kiệt quệ vì chữa bệnh

Căn nhà của gia đình ông bà Nguyễn Quang Yên, Vũ Thị Hưng, thôn Chẽ, xã Phồn Xương (Yên Thế-Bắc Giang) bao trùm không khí u buồn kể từ tháng 8-2018 khi vợ ông được phát hiện ung thư vú. Mấy tháng đi viện điều trị, hơn 1 ha đồi vải thiều không có người chăm sóc cỏ mọc um tùm; dãy chuồng trại chăn nuôi lợn, gà trước đây hàng trăm con mỗi lứa nay bỏ trống. Ông Yên bị đau lưng triền miên rồi bị gù khoảng 20 năm nay, việc đi lại rất khó khăn; đã vậy gần đây lại thêm bệnh đái tháo đường, thường xuyên phải uống thuốc. 

{keywords}

Điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh.

Mấy năm trước vợ chồng ông vất vả sớm hôm để lo trang trải đời sống, phụng dưỡng bố mẹ già (người bị động kinh, người bị tai biến liệt giường) và lần lượt lo cho 3 đứa con vào đại học. Những tưởng rằng khi gánh nặng gia đình vơi bớt thì bà lại mắc bệnh hiểm nghèo. Chi phí điều trị rất tốn kém nên ông Yên không biết gia đình sẽ cầm cự được bao lâu. “Vẫn biết cơ hội khỏi bệnh của vợ tôi là rất mong manh song gia đình vẫn cố gắng tìm thầy, tìm thuốc chữa trị”, ông Yên chia sẻ.

Vài tháng chưa gặp mà chị Nguyễn Thị H, ở xã Đông Phú (Lục Nam) gầy rộc đi vì lo lắng, chạy chữa cho chồng bị ung thư đại trực tràng. Ngày trước vợ chồng xa nhau gần 5 năm vì chị đi xuất khẩu lao động, anh ở nhà một mình bươn chải làm lụng đủ nghề. Ngoài công việc chính là giáo viên, anh còn kinh doanh nội thất, vật liệu xây dựng. Khi gia đình đoàn tụ, số tiền hai vợ chồng tích lũy đủ mua đất, xây nhà, dành được chút vốn làm ăn thì anh mắc bệnh. Chị H mới ngoài 30 tuổi, hai con nhỏ dại, tương lai còn dài phía trước. Nhìn vào cuộc sống đang êm đẹp của anh chị phải chịu thử thách nghiệt ngã của số phận ai nấy đều xót xa.

Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, chúng tôi gặp anh Đỗ Trọng Anh, thôn Dăm, xã Vũ Xá (Lục Nam-Bắc Giang) đang chăm sóc bố. Gương mặt phờ phạc vì thức khuya nhiều, anh kể: “Từ khi bố tôi bị ung thư gan, cả nhà phải chạy vạy vay mượn khắp nơi bởi mỗi lần đi bệnh viện điều trị chi phí tốn kém vài triệu đến vài chục triệu đồng. Mấy anh em tôi đều làm công nhân, phải luân phiên xin công ty cho nghỉ làm để chăm sóc bố”. 

Có hơn 200 loại ung thư nhưng phổ biến là: Ung thư vú, tuyến giáp, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, tử cung, phổi, vòm họng, tiền liệt tuyến... Đáng lo ngại là trước đây bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên và người già thì nay cả thanh niên, trẻ em cũng không là ngoại lệ. Trong khi đó, nhận thức của người dân về khám bệnh định kỳ nhằm phát hiện sớm chưa cao, hầu hết bệnh nhân đến cơ sở điều trị khi bệnh đã đến giai đoạn muộn, điều trị khó khăn.

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị như: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch sinh học... Do chi phí điều trị tốn kém, kéo dài, có gia đình khá giả nhưng chỉ sau thời gian người thân mắc bệnh mà dần trở nên nghèo khó. Thậm chí, không ít trường hợp bệnh nhân ung thư vì vấn đề kinh tế đã đành bỏ dở quá trình điều trị, phó mặc tính mạng, sức khỏe cho số phận.

Chủ động kiểm soát, phòng ngừa

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu tỉnh, có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do người dân ăn uống thiếu khoa học, sử dụng thực phẩm nấm mốc độc hại, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn ít rau xanh, ít vận động. Cùng đó, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm, môi trường không khí, nguồn nước bị ô nhiễm cũng là tác nhân gây bệnh.

Hằng ngày tiếp xúc với nhiều ca bệnh, các bác sĩ luôn trăn trở bởi những năm gần đây bệnh nhân ung thư có xu hướng tăng cao và trẻ hóa. Người trẻ nhất từng điều trị tại đây mới 18 tuổi, hiện có 25 bệnh nhân dưới 40 tuổi đang nằm viện. Kết quả khảo sát của Trung tâm Phòng, chống ung thư quốc gia (thuộc Bộ Y tế), năm 2000 cả nước có 69 nghìn người mắc mới; năm 2015 con số này tăng lên 150 nghìn người; năm 2018 là 164,6 nghìn người. Dự kiến đến năm 2020 số bệnh nhân mắc mới khoảng 200 nghìn người.

{keywords}

Gia cảnh khó khăn của bà Đoàn Thị Thanh, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên) vì có người thân mắc ung thư.

Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, trung bình mỗi ngày các bác sĩ khám cho từ 150-250 lượt bệnh nhân chưa kể con số vượt tuyến ra khám và điều trị tại trung ương không thể thống kê hết được. Hiện tại các khoa đang điều trị nội trú gần 170 người đến từ các huyện, TP của tỉnh, trong đó có nhiều người ở các huyện như: Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, TP Bắc Giang. Ngoài ra còn khoảng 200 trường hợp điều trị ngoại trú.

Bác sĩ Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hiện nay tại đây đã triển khai kỹ thuật chuyên sâu phẫu thuật, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ. Từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và trung ương, Bệnh viện đã xây xong khu xạ trị. Năm 2019 sẽ đưa vào sử dụng nhiều thiết bị hiện đại như: Cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, nội soi phế quản, mamo vú... Đồng thời triển khai kế hoạch tầm soát nhằm phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình cũng như khắc phục tình trạng chuyển tuyến trước đây.

Bên cạnh những nỗ lực trong việc nâng cao tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cũng như đầu tư, sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư ngay tại tuyến tỉnh, bác sĩ Thân Trọng Hưng khuyến cáo: Người dân cần có ý thức phòng bệnh ngay từ việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh hằng ngày. Đặc biệt, cần chủ động đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị; tham gia bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh.

Lý do con người chưa thể chữa trị tận gốc bệnh ung thư
Khối u ác tính thường phát triển thành nhiều dòng phụ độc nhất trong khi mỗi loại thuốc chỉ có tác dụng trên một dòng phụ nhất định.
 
WHO báo động về tình trạng ung thư trên toàn cầu
Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm hơn 18 triệu ca ung thư và sẽ có khoảng 9,6 triệu người tử vong do căn bệnh này. Con số đáng báo động này được Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư trực thuộc Liên Hợp quốc (IARC) công bố ngày 12-9. Con số này tăng so với 14,1 triệu ca mắc bệnh mới và 8,2 triệu người tử vong vì ung thư hồi năm 2012 trong cuộc khảo sát gần nhất trước đó. 
 
Khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm cho người dân
(BGĐT) - Sáng 10-8, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Động tổ chức khám sàng lọc ung thư và tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 người cao tuổi và nhân dân xã Long Sơn, Dương Hưu.
 

Kim Hiếu- Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...