Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bí quyết trường thọ của bậc cao niên

Cập nhật: 13:36 ngày 18/01/2019
(BGĐT) - Thường xuyên rèn luyện thể thao, giữ tinh thần thoải mái, lao động vừa sức chính là liều thuốc bổ, bí quyết trường thọ của nhiều bậc cao niên. 

Tích cực vận động, phát huy trí tuệ

Toàn tỉnh hiện có 169 người hơn 100 tuổi; 93 cụ 100 tuổi và gần 2 nghìn cụ khoảng 90 - 95 tuổi. Đa phần người 100 tuổi trở lên là những nông dân lao động từ nhỏ và đến nay vẫn ưa thích vận động, làm việc, sống vui vầy bên con cháu… Các bậc cao niên đều cho rằng, bí quyết để họ sống lâu là lao động chăm chỉ, tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ và giữ gìn vệ sinh tốt. 

{keywords}

Người cao tuổi huyện Lạng Giang tập thể dục dưỡng sinh. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Chia sẻ về cuộc sống của mình, cụ Trần Từa (101 tuổi) ở thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi (Lạng Giang) nói: “Tôi thích văn nghệ và thường xuyên vận động chân tay cho các khớp xương dẻo dai. Tuổi đã cao nhưng tôi luôn tâm niệm “tóc bạc, lòng xanh”, sống lạc quan, vui vẻ”. Đến nay cụ duy trì chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao như mấy chục năm qua. Hay cụ Nguyễn Văn Nam (90 tuổi) ở phường Dĩnh Kế vẫn hằng ngày đạp xe quanh Công viên Hoàng Hoa Thám; cụ Phạm Thị Dao (84 tuổi) ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) vẫn trông cháu và nấu cơm giúp con trai…

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhiều người cao tuổi (NCT) tích cực lao động, phát huy trí tuệ, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng địa phương. Và hầu hết các cụ coi những công việc đồng áng vừa sức hay chăm sóc ao cá, vườn rau trở thành liều thuốc hữu ích nhất cho việc rèn luyện sức khỏe, tạo nên sự dẻo dai để sống thọ bên con cháu. 

Trong số này phải kể tới cụ Phạm Văn Chép (81 tuổi) ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa). Dù tuổi cao song hằng ngày cụ vẫn đi dọc các bờ ao để trông nom công việc của trang trại. Gặp chúng tôi, cụ say sưa kể về chặng đường gian nan để có được mô hình kinh tế quy mô như hôm nay. Từ năm 2004, thời điểm địa phương còn khó khăn, cụ Chép đã mạnh dạn kêu gọi các con cùng nhận thầu và vay vốn ngân hàng để đầu tư cải tạo hơn 50 mẫu ruộng thuộc vùng trũng, cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thả cá. 

Đến nay, với mô hình kinh tế tổng hợp: Nuôi cá, lợn, vịt, trồng cây ăn quả, gia đình cụ thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm cho 10- 12 lao động thời vụ ở địa phương. Cụ Phạm Văn Chép cho hay: “Thời còn trẻ lao động không biết mệt, đến khi về già khó có thể quen ngồi không. Giờ mỗi ngày tôi đều chọn việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe để làm như kiểm tra nhiệt độ nước, nhắc nhở người làm về giờ giấc cho cá ăn hay liên hệ thương lái, bàn bạc về giá cả mỗi dịp thu hoạch. Tôi coi đây là động lực để mình sống khỏe bởi lúc nào cũng cảm thấy mình còn làm được nhiều việc có ích”. 

Theo ông Hoàng Kim Nghị, Chủ tịch Hội NCT xã Hợp Thịnh, ngoài là điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, cụ Chép còn tích cực ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo.

Con cháu hiếu thảo, gia đình thuận hòa

Để sống trường thọ, sức khỏe dẻo dai, bên cạnh chế độ ăn uống, rèn luyện, lao động vừa sức còn cần "liều thuốc" tinh thần đặc biệt quan trọng là con cháu hiếu thảo, gia đình thuận hòa. Và ngược lại, mỗi NCT sống lâu, sống vui, khỏe sẽ là niềm may mắn, hạnh phúc cho con cháu.

Tại xã Cao Xá (Tân Yên), ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch Hội NCT xã cho hay, hiện xã có 4 hội viên hơn 100 tuổi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, trong số này có cụ Phạm Thị Hường (101 tuổi) ở thôn Trung Lương. Gia đình cụ có 4 thế hệ cùng chung sống thuận hòa, chưa bao giờ nghe thấy trong nhà to tiếng. Quê ở tận Hải Dương nhưng từ năm 1971, sau trận lũ lụt lịch sử, cả gia đình cụ mới chuyển về xã Cao Xá sinh sống. Thời còn trẻ, kinh tế khó khăn, để có tiền lo cho 6 người con (4 trai, 2 gái), cụ bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống. 

{keywords}

Ở NCT, cơ thể thường phát sinh nhiều bệnh. Để sống vui, sống khỏe, NCT cần được chăm sóc và kiểm soát tốt các nguy cơ bệnh lý, điều trị kịp thời; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên vận động nhẹ nhàng và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần”.


Bác sĩ Phạm Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Lão học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

“Có lẽ thường xuyên lao động nên mẹ tôi có sức khỏe dẻo dai. Hằng ngày, mẹ làm việc vặt giúp con cháu, nhất là thường xuyên nghe đài để biết thông tin, tinh thần minh mẫn”, ông Hà Đình Phương, con trai của cụ chia sẻ. Noi gương cụ, các con cháu đều tích cực rèn luyện, học tập, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội. Ông Hà Đình Phương, con trai cụ cho biết: “Món mẹ tôi thích ăn nhất là cá hấp và luộc, ăn rất ít thịt. Ngày ăn đủ ba bữa và đúng giờ nên tôi luôn chọn những món mẹ thích, bố trí thời gian hợp lý để chuẩn bị nấu nướng, bảo đảm sức khỏe của cụ”.

Đến xóm Chùa, xã Tăng Tiến (Việt Yên) hỏi thăm, từ trẻ nhỏ đến người già, ai cũng biết cụ Đinh Văn Lạc. Bởi dù năm nay đã 96 tuổi nhưng hằng ngày, mọi người đều gặp cụ đi bộ ra đầu ngõ, ngồi ngâm thơ với những NCT trong xóm. Chia sẻ về bí quyết sống khỏe, cụ Lạc nói: "Hồi trẻ, tôi làm nhân viên thống kê cho hợp tác xã tại thôn. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên tôi phụ vợ làm việc đồng áng hoặc ai thuê gì thì làm thêm. Cực nhọc là vậy nhưng tôi luôn giữ tinh thần lạc quan, cố gắng làm chỗ dựa cho gia đình, nuôi các con khôn lớn”.

Tuy tuổi cao nhưng hằng ngày cụ dậy sớm tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên làm thơ ca, nghiên cứu chữ Nho, ăn cơm đúng bữa. Đặc biệt từ trẻ đến giờ cụ không uống rượu, hút thuốc. Trong không khí ấm cúng của buổi sum họp gia đình, cụ Lạc không quên hỏi thăm và căn dặn con cháu sống tích cực, có ích cho quê hương, đất nước. Được biết cụ Lạc có 7 anh chị em, hiện 6 người còn sống và đều có tuổi thọ cao.

Hoài Thu- Hữu Trình

Chăm sóc người cao tuổi: Chủ động trước thách thức già hóa dân số
(BGĐT) - Giai đoạn già hóa dân số (GHDS) tạo ra những thách thức lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống người cao tuổi (NCT). Để ứng phó trước tốc độ già hóa nhanh, giúp người già phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tiếp tục đóng góp cho xã hội đòi hỏi sự chủ động của người dân và chuẩn bị về hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.
 
Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi
(BGĐT) - Ngày 25-12, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác và phong trào thi đua năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Dương Văn Trọng, Ủy viên BCH Hội NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh.
 
Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người cao tuổi
Ngày 17-9, Hội Người cao tuổi TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động chăm sóc người cao tuổi (giai đoạn 2014 – 2018); gặp mặt nhân “Tháng hành động người cao tuổi Việt Nam”.
 
Không nhận tiền mừng của người cao tuổi: Nét đẹp nơi thôn dã
(BGĐT) - Tuổi cao, thu nhập eo hẹp nên nhiều người cao tuổi (NCT), nhất là ở nông thôn gặp khó khăn trong cuộc sống. Gần đây, một số thôn, dòng họ trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng hương ước, quy ước không nhận tiền mừng của người từ 70 tuổi trở lên khi tổ chức việc cưới hay miễn các khoản đóng góp ở địa phương.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...