Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếp tục tôn vinh và gìn giữ dân ca quan họ

Cập nhật: 09:02 ngày 19/03/2019
(BGĐT) - Đứng ra sáng lập và tài trợ cho hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Quan họ BAGICO từ hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO, huyện Việt Yên (Bắc Giang) mong muốn góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa quý báu của quê hương.   

Nhân dịp Công ty được trao bằng xác lập kỷ lục thế giới về những đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, chị chia sẻ về những năm tháng đồng hành cùng CLB.

{keywords}

 Chị Nguyễn Thị Thành Thực (thứ tư từ phải sang) cùng các học viên trẻ của CLB Quan họ BAGICO.

Năm nay, hoạt động của CLB Quan họ BAGICO bước sang năm thứ 11. Chị có lạc quan về sự phát triển của CLB?

Sau 10 năm hoạt động liên tục, CLB đã gây dựng được phong trào rộng khắp. Ươm mầm được hàng ngàn bạn trẻ tại các trường phổ thông, mỗi năm có nhiều em trở thành sinh viên trong ngành nghệ thuật dân gian, đạt nhiều giải xuất sắc trong các cuộc thi hát dân ca. 

Với sức lan tỏa và sự phát triển bền vững của chương trình, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã công nhận Kỷ lục Việt Nam và mới đây chương trình đã được công nhận Kỷ lục thế giới “Trại hè BAGICO trong 10 năm hoạt động 2008-2018 tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, bảo tồn và quảng bá Dân ca Quan họ- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam”.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng hành của các bậc phụ huynh và ngành giáo dục, tôi tin tưởng sự bền vững của chương trình và ý nghĩa của nó sẽ ngày càng lan tỏa không giới hạn địa lý, không chỉ với dân ca quan họ mà còn với các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống khác.

Làm giám đốc doanh nghiệp, chị có biết bao nhiều việc phải làm, vì sao chị lại dành sự quan tâm đối với dân ca quan họ và tìm cách hỗ trợ, nuôi dưỡng nó?

Nói đến sự hỗ trợ CLB thì khó có thể lượng hóa, bởi tâm huyết và tình yêu quê hương của tôi đã lan tỏa tới nhiều người, cộng hưởng sức mạnh theo mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chúng tôi cùng đồng hành góp công, góp của dưới nhiều hình thức để chương trình được phát triển.

Dù làm công việc gì hay địa vị nào, mỗi người đều có cuộc sống tinh thần, đều có trách nhiệm xã hội và đặc biệt là nỗi niềm với quê hương. Dân ca quan họ nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung không chỉ là nghệ thuật mà còn là lịch sử. Không có sử sách nào lưu truyền bền lâu bằng chính các thế hệ người dân... 

Việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa là nghĩa vụ của mỗi người, trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau. Tuy nhiên điều này chưa được quan tâm đúng mức với lớp trẻ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Khi các em được bồi dưỡng văn hóa truyền thống, giống như những liều vắc xin, các em sẽ đề kháng được trước làn sóng du nhập văn hóa không lành mạnh.

Theo chị, điều gì làm nên sức hấp dẫn và sức sống của loại hình dân ca này?

Tôi hát không hay nên ít hát, nhưng tôi có thể thuộc và thẩm thấu hàng trăm làn điệu dân ca quan họ nhờ khả năng cảm thụ âm nhạc khá tốt. Không chỉ yêu các làn điệu dân ca, tôi còn tìm hiểu về lịch sử, lề lối của người quan họ. Nếu ai đó đã hiểu về quan họ chắc chắn sẽ yêu và nhớ mãi. 

Từ các trang phục rất ý nhị, nhân văn đến các ca từ, giai điệu... Sức sáng tạo của nó gần như không có điểm dừng, người ta có thể đặt lời phù hợp ngữ cảnh theo các làn điệu một cách dễ dàng.

Theo tôi, điều làm nên sức sống lâu dài và giá trị của di sản này là do cộng đồng, các thế hệ người dân đã yêu và truyền dạy cho nhau. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của nhà nước và các tổ chức quốc tế, tôi tin dân ca quan họ sẽ trường tồn và lan tỏa.

Hiện nay nhiều người vẫn mặc nhiên coi quan họ như riêng của Bắc Ninh. Chị nghĩ sao về điều này?

Chia sẻ rất thật lòng, khi bắt đầu tổ chức chương trình, tôi đã từng nghĩ có thể một ngày nên đổi tên di sản văn hóa phi vật thể này là “Dân ca Quan họ” là một trong ba cái tên được đưa ra để lựa chọn khi làm hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Rất nhiều chuyên gia, nghệ nhân có ý kiến không nên gắn một địa danh cụ thể (Bắc Ninh hay Kinh Bắc) với dân ca quan họ bởi như vậy sẽ bó hẹp và kìm hãm sự lan tỏa. Nếu đứng dưới góc độ người làm kinh doanh ít ai lại đi tài trợ, đầu tư cho một thương hiệu mà mình không liên quan, không có lợi ích. Có lẽ chính vì thế nên dân ca quan họ chưa thực sự được cộng đồng, các địa phương quan tâm đầu tư xứng tầm di sản văn hóa thế giới.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh doanh, theo chị quan họ có thể có “sinh lời” được không?

Tại sao không? Đời sống tinh thần là một nửa đời sống của con người. Khi các kỹ xảo, các công nghệ hiện đại đã quá phát triển, mỗi người có thể tự tạo cho mình những video ca nhạc trên mạng hoàn toàn ảo, khi ai cũng biết các kỹ xảo đó thì việc tìm về với những giá trị cốt lõi, những văn hóa truyền thống là “đặc sản”.

Việc kinh doanh văn hóa, nghệ thuật trong ngành du lịch hay dùng những câu chuyện văn hóa để quảng bá sản phẩm, thương hiệu vùng miền... rất nhiều nước đã vận dụng vô cùng hiệu quả. Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ... là những điển hình. Chúng ta nên coi trọng và đầu tư xứng đáng, vận dụng, khai thác hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca quan họ nói riêng.

Xin cảm ơn chị!.

Kim Hiếu (thực hiện)

Một chiều xuân quan họ
(BGĐT) - Tôi chỉ vì yêu câu ca quan họ, nên tìm về đây trong một chiều tháng Giêng.
 
Trên quê hương quan họ
Ảnh chụp tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
 
Truyền dạy dân ca quan họ cho hạt nhân văn nghệ
(BGĐT)- Từ ngày 14 đến 23 - 8, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Giang tổ chức lớp truyền dạy dân ca quan họ cho hơn 150 hạt nhân văn nghệ (trong đó có 10 trẻ em) tại xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).
 
Nuôi dưỡng tình yêu với quan họ
(BGĐT) - Câu lạc bộ (CLB) “Em yêu làn điệu dân ca quan họ” được chị  Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO quê tại thôn Vàng, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) thành lập năm 2009. Đến nay, CLB đã truyền dạy miễn phí quan họ cho hàng nghìn thanh thiếu nhi, tạo ra sân chơi bổ ích giúp các em thêm yêu loại hình nghệ thuật độc đáo này.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...